Theo Live Science, sau khi bị tắt nguồn từ ngày 31-1 vì không được thiết kế để chống chọi đêm trăng lạnh giá, tàu vũ trụ SLIM đã thiết lập lại liên lạc với nhóm điều hành sứ mệnh tại Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
"Đêm qua, một lệnh đã được gửi tới SLIM và đã có một phản hồi, xác nhận rằng tàu vũ trụ đã vượt qua đêm trăng và duy trì khả năng liên lạc" - JAXA cho biết trên X.
Đây là lần hồi sinh bất ngờ thứ 2 của SLIM, sau đó đưa Nhật Bản thành quốc gia thứ 5 trên thế giới hạ cánh thành công trên Mặt Trăng vào ngày 19-1.
Cú hạ cánh của tàu vũ trụ này gặp trục trặc ở một động cơ, khiến nó đáp xuống Mặt Trăng trong tư thế lộn ngược, chúi mũi xuống.
Tuy vậy, nó đã đáp chính xác về vị trí cũng như kịp giải phóng 2 robot nhỏ trước khi bị tắt.
Chính tư thế lộn ngược này khiến pin mặt trời của nó không nhận được ánh sáng và các chuyên gia JAXA đã phải tắt nguồn tàu sau vài giờ và chờ mong khi ánh nắng đổi hướng, nó sẽ được sạc lại.
Khi hy vọng ngày một tan biến thì đến hôm 29-1, tàu vũ trụ SLIM bất ngờ "thức giấc". Liên lạc được thiết lập trở lại và một số nhiệm vụ nghiên cứu đã được thực hiện.
Đến ngày 1-2, Mặt Trăng bước vào thời kỳ đêm tối kéo dài 2 tuần, điều mà các nhà khoa học lo ngại sẽ giết chết SLIM bởi tàu vũ trụ này không được thiết kế phù hợp với nhiệt độ quá lạnh của đêm trăng, lạnh tới -130 độ C.
Đó cũng là lúc các nhà khoa học phải tắt SLIM lần nữa.
Tuy vậy, SLIM một lần nữa chứng tỏ sự bền bỉ của mình. Nhưng lần liên lạc thứ hai này diễn ra khá ngắn vì các thiết bị của SLIM đang bị nung nóng bởi nhiệt độ khắc nghiệt gần đường xích đạo.
Hiện chưa rõ sứ mệnh sẽ tiếp tục như thế nào.
Ngoài SLIM, trên Mặt Trăng còn một tàu vũ trụ "vấp té" khác là Odysseus, đang nằm trong tư thế kỳ quặc là đổ nghiêng, đầu gối lên một tảng đá sau một số sự cố lúc hạ cánh. Tuy nhiên, NASA và đối tác Intutive Machines khẳng định nó vẫn chạy tốt.
Bình luận (0)