Theo các lý thuyết trước đây, nếu tàu vũ trụ di chuyển đủ xa khỏi Mặt Trời, nó sẽ lạc vào một khu vực đông đúc với vô số vật thể băng giá. Đó chính là Vành đai Kuiper, một cấu trúc khổng lồ, nơi "cựu hành tinh" Sao Diêm Vương cư trú.
Vài năm qua, tàu vũ trụ này đã đi qua vùng vật thể dày đặc đó và đang rất cô đơn. Nhưng nó chưa thoát khỏi Vành đai Kuiper như chúng ta tưởng.
Theo Science Alert, một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa kết hợp dữ liệu từ tàu vũ trụ New Horizons và kính viễn vọng Subaru của Đài quan sát Thiên văn quốc gia Nhật Bản đặt tại Hawaii (Mỹ) và nhận ra có thể Vành đai Kuiper có tới 2 lớp.
Vành đai Kuiper kéo dài từ quỹ đạo của Sao Hải Vương, cách Mặt Trời khoảng 30 đơn vị thiên văn (AU, bằng khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trời).
Đến khoảng 50 AU từ Mặt Trời, tàu vũ trụ của NASA đã đi vào một vùng không gian vắng vẻ hơn và từ 55 AU nó đã gần như cô độc.
Vào thời điểm viết bài, tàu vũ trụ của NASA đã ở khoảng cách 60 AU. Nhưng các quan sát bổ sung từ Subaru cho thấy nó sẽ tiếp tục bị bao bọc bởi vô số vật thể từ mốc 70-90 AU.
Theo TS Wesley Fraser thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Canada, thành viên nhóm nghiên cứu, Vành đai Kuiper của chúng ta từ lâu dường như rất nhỏ khi so sánh với cấu trúc tương tự nhiều hệ hành tinh khác.
Những kết quả mới cho thấy nó không hề nhỏ mà đơn giản là chúng ta chưa hiểu về nó.
Khoảng không tàu vũ trụ NASA đang lạc vào không phải nơi kết thúc của vành đai, mà chỉ là một cấu trúc ẩn giấu chúng ta chưa từng biết. Khoảng không chia vành đai này làm 2, điều từng được quan sát nơi các hệ sao khác.
"Tinh vân Mặt Trời nguyên thủy lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây và điều này có thể có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu quá trình hình thành các hành tinh" - đồng tác giả Fumi Yoshida đến từ Viện Công nghệ Chiba (Nhật Bản) cho biết.
Bình luận (0)