Quyết định được FAA đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nó thất bại trong sứ mệnh mang 20 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo.
Sự cố xảy ra khoảng 1 giờ sau khi Falcon 9 rời bệ phóng ở Vandenberg ở bang California -Mỹ tối 11-7 (giờ địa phương) và làm hỏng toàn bộ 20 vệ tinh Starlink, ước tính trị giá khoảng 10 triệu USD.
Tỉ phú Elon Musk (ông chủ tập đoàn SpaceX) tiết lộ động cơ tầng 2 của tên lửa Falcon 9 không thể tái kích hoạt trong không gian "dẫn đến RUD động cơ vì những lý do hiện chưa rõ".
RUD là viết tắt của Rapid Unscheduled Disassembly, thuật ngữ trong ngành công nghiệp vũ trụ dùng để mô tả sự cố nổ hoặc phá hủy bất ngờ của tên lửa hoặc tàu vũ trụ. Thuật ngữ này thường được để giảm nhẹ tính nghiêm trọng của sự cố.
SpaceX đang cập nhật phần mềm của các vệ tinh Starlink với hy vọng các động cơ đẩy tên lửa hoạt động mạnh hơn bình thường để tránh rơi vào khí quyển Trái đất và bốc cháy.
"Không giống như trong phim Star Trek bởi điều này có thể không hiệu quả nhưng đáng để thử" – Reuters dẫn lời tỉ phú Musk - "Các động cơ cần đẩy vệ tinh lên quỹ đạo cao hơn để tránh bị lực kéo của khí quyển đưa xuống và làm chúng bị bốc cháy".
Vị tỉ phú 52 tuổi cũng khẳng định sự cố không gây ra mối đe dọa nào cho công chúng. SpaceX không ước tính thời điểm các vệ tinh Starlink sẽ quay trở lại Trái đất nhưng khẳng định chúng "trở về" dưới dạng những vệt sáng trên bầu trời.
Sự cố xảy ra trong nhiệm vụ thứ 354 của Falcon 9 và đánh dấu lần đầu tiên tên lửa này gặp trục trặc kể từ năm 2016. Khi đó, một tên lửa phát nổ trên bệ phóng ở bang Florida và phá hủy vệ tinh liên lạc của Israel.
"Tên lửa Falcon 9 sẽ bị cấm bay cho đến khi SpaceX điều tra được nguyên nhân gây và khắc phục sự cố, đồng thời nhận được sự chấp thuận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ" – tuyên bố của FAA nhấn mạnh.
Tiến trình này dự kiến có thể mất vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của sự cố và kế hoạch khắc phục của SpaceX.
"SpaceX đã cung cấp thông tin cởi mở và sẽ mời NASA tham gia vào cuộc điều tra sự cố hiếm gặp này để hiểu rõ vấn đề và hướng đi tiếp theo" – phát ngôn viên cơ quan vũ trụ Mỹ cho hay.
Tập đoàn tư nhân SpaceX có giá trị khoảng 200 tỉ USD, trong những năm qua họ được nhiều quốc gia trên thế giới thuê đưa vệ tinh và phi hành gia vào không gian.
Tổng cộng có tới 96 tên lửa Falcon 9 được phóng trong năm 2023, trong khi cùng thời điểm Trung Quốc thực hiện 67 sứ mệnh vào vũ trụ nhưng bằng nhiều loại tên lửa khác nhau.
Dù hiếm khi thất bại nhưng các nhà phân tích nhận định sự cố tối 11-7 có thể ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của SpaceX.
Falcon 9 là tên lửa duy nhất của Mỹ có khả năng đưa phi hành đoàn NASA lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Cơ quan vũ trụ Mỹ dự kiến sẽ phóng sứ mệnh đưa phi hành gia tiếp theo lên quỹ đạo vào tháng 8. Sứ mạnh này được thực hiện bởi tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX.
SpaceX đã phóng khoảng 7.000 vệ tinh Starlink với nhiều thiết kế khác nhau vào không gian cho mạng internet băng thông rộng của hãng kể từ năm 2018.
Bình luận (0)