Bà Mariia Ionova - thành viên Ủy ban Đối ngoại tại Quốc hội Ukraine - chia sẻ với BBC rằng việc Mỹ “cởi trói” tên lửa tầm xa không phải “viên đạn bạc” đảm bảo kết quả có lợi cho Ukraine và kêu gọi phương Tây thay đổi chiến lược.
“Chúng tôi đánh giá cao bước đi này nhưng chỉ điều này thôi không mang lại chiến thắng. (Chúng tôi cần) một lá chắn không quân trên Ukraine, thêm khóa đào tạo, huấn luyện viên quân sự, thêm nhiều lệnh trừng phạt” - bà nói - “Các lãnh đạo nên sáng tạo hơn, dũng cảm hơn. Đừng loại trừ điều gì, đừng trì hoãn nữa”.
Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 18-11 cho biết Moscow sẽ đáp trả "quyết định liều lĩnh" từ Nhà Trắng khi cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa nhắm vào lãnh thổ nước này.
“Quyết định này liều lĩnh, nguy hiểm, với mục đích thay đổi bản chất, lấn sâu thêm mức độ can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột này” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
New York Times, Reuters và nhiều tờ báo Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, song Washington chưa chính thức lên tiếng.
Ông Peskov khẳng định Tổng thống Vladimir Putin đã nêu rõ lập trường của Nga khi phát biểu tại St Petersburg hồi tháng 9. “Rõ ràng chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ có ý định đổ thêm dầu vào lửa và tiếp tục gia tăng căng thẳng trong cuộc xung đột này” - người phát ngôn nói thêm.
Trước đó hôm 12-9, ông Putin cảnh báo việc phương Tây chấp thuận Ukraine dùng vũ khí tầm xa đồng nghĩa “các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine”.
Hồi cuối tháng 10, tổng thống Nga cho biết Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu các kịch bản đáp trả nếu Mỹ và các đồng minh NATO hỗ trợ Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa.
Trong khi đó, các nguồn tin tiết lộ động thái từ Mỹ một phần nhằm đáp trả việc lính Triều Tiên được điều động đến khu vực Kursk của Nga.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer cho rằng Nga đã làm leo thang xung đột khi "triển khai lực lượng của một quốc gia khác trên lãnh thổ của mình". Trong khi đó, Moscow khẳng định có thể đưa mọi lực lượng họ muốn trong phạm vi lãnh thổ Nga.
Một quan chức Nga giấu tên cho biết nếu bước đi của Mỹ được xác nhận, đây sẽ là hành động rất khiêu khích từ một chính quyền sắp mãn nhiệm, song cũng không thay đổi được cục diện xung đột.
Bình luận (0)