Ngày 17-4, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo "Gợi ý một số chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý đô thị trên địa bàn TP HCM". Đây là hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học "Nâng cao năng lực chuyển đổi số trong công tác quản lý đô thị sau thời kỳ đại dịch Covid-19".

TS Phạm Trần Hải giới thiệu đề tài nghiên cứu.
Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đã đưa ra đánh giá mức độ chuyển đổi số trong công tác quản lý đô thị tại TP HCM năm 2023 và 2024. Đánh giá dựa trên bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của TP HCM (HCM DTI), được sử dụng để theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của sở, ban ngành, các địa phương.
Cụ thể, phạm vi nghiên cứu tập trung vào TP Thủ Đức, quận 1, quận Bình Tân, huyện Củ Chi; Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Giao thông công chánh), Sở Quy hoạch - Kiến trúc (nay là Sở Xây dựng) và Sở Tài nguyên – Môi trường.

Đại diện Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị quận 1 chia sẻ những giải pháp trong chuyển đổi số.
Tại hội thảo, đại diện cơ quan quản lý lĩnh vực đô thị, đơn vị, cơ quan nghiên cứu đã nêu lên những kết quả đạt được trong chuyển đổi số lĩnh vực đô thị. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, điểm nghẽn trong chuyển đổi số; đề xuất những cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là những thách thức, giải pháp cho "siêu" đô thị TP HCM trong thời gian tới. Theo đề án sắp xếp, hợp nhất 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh là TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM mới có quy mô dân số hơn 13,7 triệu người, 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành "siêu" đô thị mới.

Ths Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM).
Ths Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) cho rằng TP HCM cần phải xác định rõ các xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi số, từ đó xây dựng các chiến lược và giải pháp cụ thể.
Một trong những xu hướng quan trọng là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý đô thị. Cần tập trung số hóa và chuyển đổi số hoàn toàn dịch vụ công; số hóa trong lĩnh vực xây dựng; điều chỉnh những quy định không phù hợp với quá trình số hóa cũng như xử lý, chế tài nghiêm những vi phạm; cần những trung tâm dữ liệu BigData để phục vụ chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển dữ liệu không gian phục vụ quản trị đô thị TP HCM trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP HCM.
Mô hình dữ liệu không gian phục vụ quản trị đô thị sẽ gồm các lớp dữ liệu như xây dựng (quản lý, cấp phép xây dựng, chống ngập); quy hoạch đô thị (công bố quy hoạch đô thị); giao thông (hạ tầng, giao thông thông minh; xây dựng (quản lý hạ tầng); đất đai (giá đất, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai)...

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá cao những chia sẻ, góp ý của các đại biểu cho công tác chuyển đổi số. Ông cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến, hoàn thiện đề tài nghiên cứu để tiến tới công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND TP HCM về công tác chuyển đổi số trong quản lý đô thị trong thời gian tới.
Bình luận (0)