Chính phủ chuyển tiếp tại Syria cũng phải đối mặt với bài toán khó liên quan tới các chính sách nhân đạo, tái thiết nền kinh tế cũng như thiết lập trật tự an toàn xã hội và an ninh đất nước.
"Thật không may, xung đột đã khiến nền kinh tế Syria bị tàn phá, cần nhiều tỉ USD tái thiết và cần hỗ trợ hàng triệu người ở nước ngoài hồi hương tái hòa nhập vào xã hội Syria" – nhà nghiên cứu về Syria Nicholas A. Heras nói với Al Jazeera.
Quân nổi dậy do liên minh được nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu ngày 8-12 kiểm soát thủ đô Damascus, tuyên bố chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ sau 24 năm lãnh đạo đất nước.
Một nguồn tin tại Nga nói với CNN rằng ông Assad và gia đình đã tới Moscow tối 8-12 sau khi được Nga cấp quyền tị nạn vì "lý do nhân đạo".
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng ông Assad đã "quyết định rời khỏi vị trí tổng thống và rời khỏi đất nước, đưa ra chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình".
"Thách thức với chính phủ chuyển tiếp còn ở chỗ tại Syria lúc này có nhiều cánh vũ trang khác nhau, cần được đưa vào lực lượng an ninh đất nước. Chỉ có một chính phủ chuyển tiếp được trao quyền mới có thể giải quyết những yêu cầu này và đồng thời cũng cố gắng đàm phán với các lực lượng nước ngoài để họ rút quân khỏi lãnh thổ Syria" - chuyên gia Nicholas nói.
Mặt khác, tại Syria có nhiều khu vực có hoàn cảnh đặc điểm riêng do xung đột gây ra, đòi hỏi chính phủ chuyển tiếp phải có những cách tiếp cận phù hợp.
"Việc hòa giải các thế lực khu vực khác nhau theo một chính sách quốc gia thống nhất là rất quan trọng đối với sự ổn định và thành công trong tương lai của Syria" – ông Nicholas nhấn mạnh.
Reuters dẫn lời 3 nhân chứng cho biết đại diện của nhóm nổi dậy vừa tới Qardaha, quê hương của ông Assad ở vùng núi Latakia, Tây Bắc Syria.
Tại đây, nhóm đã gặp gỡ các bô lão, nhân vật có uy tín của người Alawite, vốn rất mực trung thành với cựu Tổng thống Assad.
Buổi gặp gỡ diễn ra thuận lợi khi người Alawite cam kết ủng hộ chính phủ chuyển tiếp tại Syria.
Bình luận (0)