Từ những năm 1990, Na Uy đã áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ như: miễn giảm thuế cho chủ sở hữu xe điện, cho phép sử dụng làn đường xe buýt, giảm phí cầu đường... Nhờ vậy, gần 90% doanh số bán xe mới tại quốc gia này là xe điện. Dự kiến đến năm 2032, xe điện sẽ là phương tiện phổ biến nhất trên đường phố Na Uy.
Na Uy trở thành hình mẫu tiêu biểu cho Liên minh châu Âu (EU), Anh và các quốc gia khác, những nơi đã ban hành luật cấm xe động cơ đốt trong. Theo Forbes, ngoài chính sách giảm thuế, Na Uy còn đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng sạc điện, với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng bộ sạc nhanh trong vòng một thập kỷ tới.
Tuy nhiên, quá trình điện khí hóa giao thông đường bộ ở Na Uy không hề suôn sẻ và còn nhiều thách thức. Theo báo cáo từ Công ty DNV, mặc dù có những điều kiện lý tưởng như nền tài chính công vững mạnh, dân số ít và chuyên môn sâu về năng lượng, Na Uy vẫn đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn điện.
Dự báo cho thấy nhu cầu điện sẽ tăng 60% vào năm 2040. Trong khi sản lượng điện chủ yếu dựa vào thủy điện, việc phát triển các nguồn điện khác như điện gió đang bị đình trệ, khiến khả năng đáp ứng nhu cầu mới trở nên khó khăn.
Bài học quan trọng từ Na Uy là cần phải có chiến lược tổng thể và tư duy hệ thống khi thực hiện chuyển đổi năng lượng. Dù điện giá rẻ từng là trụ cột công nghiệp của Na Uy, việc gia tăng nhu cầu từ quá trình điện khí hóa sẽ đẩy giá điện lên cao. Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch mở rộng và đa dạng hóa nguồn cung điện để bảo đảm tính bền vững trong tương lai.
Bình luận (0)