Ngày Tết, ngôi chùa Từ Hiếu nằm trong một con hẻm của đường Lê Ngô Cát, thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tấp nập người đến vãn cảnh cầu bình an đầu năm. Khuất bên phải ngôi chùa, khu nghĩa địa dành cho những thái giám triều Nguyễn nằm lặng lẽ giữa đồi thông.
Nghĩa trang của những người "trong nội"
Nếu như trước đây, khu lăng mộ này còn khá xa lạ thì nay đã có nhiều du khách biết tới. Đó là một khu đất khá rộng, xung quanh có tường bảo vệ. Tôi đếm ở đó có chừng 25 ngôi mộ, được sắp xếp thành 3 hàng mà nhiều người bảo rằng người nằm dưới kia là những thái giám (hoạn quan) từng phục vụ trong cung cấm triều Nguyễn. Vị trí mộ cũng được bố trí theo chức vụ của họ.
Khu lăng mộ đặc biệt này giờ đây đã vơi bớt cảnh lạnh lẽo, hoang tàn bởi từ năm 2019 được chùa Từ Hiếu tu sửa. Hằng năm cứ đến rằm tháng 11 âm lịch, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung cho những người đã khuất. Có lẽ sự tò mò đã thu hút nhiều người tới đây, họ thắp cho người nằm dưới mộ nén hương, âu đó cũng phần nào giảm đi sự cô quạnh.
"Những người thái giám họ đã cống hiến, âm thầm phục vụ cho mảnh đất cố đô và chúng ta dường như đang lãng quên họ. Lăng mộ thái giám chùa Từ Hiếu như là một sự tò mò để dẫn dắt chúng ta lên nhưng chúng ta không có một sự đồng cảm đối với những người đang nằm dưới ngôi mộ" - Thượng tọa Thích Không Nhiên - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Trong suốt 143 năm tồn tại (1802-1945), trong triều đình nhà Nguyễn đã có rất nhiều thái giám sinh sống, làm việc "trong nội" – trong Đại nội Huế (Hoàng thành Huế). Khi về già, họ được bố trí ra sống tại Cung Giám viện ở phía Bắc Hoàng thành Huế. Các thái giám không có người thân, không nơi nương tựa, khi chết không ai hương khói...
Xót thương số phận của mình và "đồng nghiệp", vào khoảng năm 1848, thái giám Châu Phước Năng (dưới triều đại vua Tự Đức) đã đứng ra quyên tiền, mở rộng Thảo Am đường để có nơi chôn cất, thờ tự của các thái giám khi qua đời. Vị thái giám này cũng là người có công, góp phần xây dựng Thảo Am đường thành chùa Từ Hiếu.
Ngôi mộ cổ ven đường của chưởng thái giám
Ngôi mộ Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan (1689-1755) trên đường Thiên Thai (phường An Tây, TP Huế) nằm gần tháp của bổn sư Liễu Quán - người khai lập Thiền phái Liễu Quán, một nhánh Thiền mang đậm phong cách của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Ngôi mộ này xây theo hình lục giác với 4 cấp, mỗi bậc cấp đều 6 cạnh. Ở tầng cao nhất có lan can và nằm trên là ngôi mộ được xây dựng bằng hình hoa sen, được che bằng căn nhà lục giác. Ở phía trước là tấm bia lớn, làm bằng đá gan gà rất thịnh vào thời chúa Nguyễn và được khắc chữ Hán, nét chữ đã khá mờ.
Nội dung đầu tiên trên văn bia được dịch nghĩa: "Trộm hay: Mai công (Mai Văn Hoan) mạnh mẽ khí chất, rộng rãi tấm lòng; thờ Chúa hết dạ trung thành, nào chối từ khổ cực; chọn bạn một lòng đại nghĩa, thực sợ mất ân tình. Hiền lành trung hậu, như chén rượu nồng".
Ông Ngô Dũng (61 tuổi) một người dân nơi đây nói rằng cư dân ở đây chỉ quen gọi ngôi mộ cổ này là lăng Ông Phèn vì đây là đệ tử của sư tổ Liễu Quán. "Trước đây ngôi mộ này nằm dưới thấp nhưng sau đó được trùng tu xây lên cao. Người ta tận dụng lại đá gan gà để xây các bậc cấp lên mộ ông. Dân làng chúng tôi tôn kính ngài lắm nên hằng tháng thường ra quét dọn vệ sinh cho ngài" – ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, khu đất lăng "Ông Phèn" xưa kia rất rộng lớn, lên đến vài ngàn mét vuông, nhưng tầm 20 năm trước nó nằm trong quy hoạch trở thành khu du lịch của một doanh nghiệp lớn. Nhiều nhà dân xung quanh di dời, khu vực lăng của ông cũng thu nhỏ lại. Nhưng giờ đây, dự án "đóng băng". Chính quyền địa phương tạm thời quản lý, giao cho người dân, đoàn thể trồng keo tràm.
TS Võ Quang Vinh – Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói rằng, theo bia mộ thì Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan quê ở xã An Xá, viên tử Tân Lập, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam.
Thái giám nhưng cũng là võ tướng
Năm 16 tuổi, ngài được tuyển chọn vào làm Nội giám ở phủ chúa Nguyễn. Đến năm Ất Tỵ (1725), ngài được thăng lên chức Thái giám, chánh Đội trưởng kiêm Tri chư quốc Tào vụ. Chức quan kiêm nhiệm Tri Chư quốc Tào vụ, có vai trò quản lý mọi việc liên quan đến hệ thống các tàu buôn của các quốc gia và vùng lãnh thổ đến buôn bán, trao đổi giao thương ở Đàng Trong.
"Thời chúa Nguyễn, vấn đề ngoại thương rất được triều đình quan tâm. Đó là một trong những nguồn lực chính yếu để xây dựng và phát triển xứ Nam Hà vững mạnh về tiềm lực kinh tế, quân sự,... Tri Chư quốc Tào vụ là một chức quan cao cấp trong hệ thống quan chức thời chúa Nguyễn bấy giờ. Chức quan ấy giao cho một viên thái giám chứng tỏ thời chúa Nguyễn người trong Nội giám (thái giám) được trọng dụng và cất nhắc nhiều vị trí khá cao" – TS Võ Quang Vinh phân tích.
Khu mộ Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan.
Về dấu ấn của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan trong lịch sử xứ Đàng Trong, TS Võ Quang Vinh nói rằng sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã nói rõ vị thái giám này không chỉ nắm quyền quản lý "Tào vụ" mà còn là quan chức quản lý về thuế lệ toàn xứ Đàng Trong. Đây có thể là một trong những vị quan chức cấp cao của Bộ Hộ, vốn là Cai bạ vào thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát từ năm Giáp Tý (1744).
"Cần sớm quy hoạch mở rộng và bảo tồn ngôi mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan nhằm giữ cho Huế một di tích lịch sử có giá trị. Đặc biệt, tấm bia mộ là một tư liệu quý, cần được bảo vệ và gìn giữ. Nó rất cần thiết cho các học giả hoặc những ai quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về vai trò của các vị thái giám xưa, về tình hình Phật giáo cũng như lịch sử xứ Đàng Trong giai đoạn thế kỷ XVIII" - Đại đức Thích Đồng Dưỡng.
Đến năm Mậu Ngọ (1738), ngài được thăng làm Chưởng Thái giám, tức quản lý tất cả các thái giám trong phủ chúa, kiêm Cai đội, nắm giữ một chức quan võ.
Đại đức Thích Đồng Dưỡng trong bài Hậu học và công đức hậu trì tam bảo của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan (1689-1755) trên sách Liễu Quán - Tổ đình Thuyền Tôn: Tự sở, truyền thừa và di sản tư liệu do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào tháng 1-2024, ghi rằng: "Ngài giống như Lý Thường Kiệt. Tuy là thái giám nhưng cũng là một võ quan hay võ tướng".
Sau đó, ngài quy y với Tổ sư Liễu Quán, nhận phó chúc làm cư sĩ, pháp danh Tế Ý. "Đoán Tài hầu Mai Văn Hoan đã thực hiện nhiều công đức hộ trì quan trọng, góp phần xiển dương chánh pháp. Tiêu biểu là việc ngài hưng công xây dựng chùa Thiền Tông (Thuyền Tôn), tạo nên một chốn già – lam vang danh khắp cõi rừng thiền. Bên cạnh đó, ngài đã tổ chức in ấn kinh sách, lập các đàn tràng cúng dường trai tăng, mua đất cúng ruộng chùa, đúc đại hồng chung hiện còn tại chùa Thuyền Tôn..." – TS Võ Quang Vinh cho biết.
Bình luận (0)