Tương tự, cô Anchalee Chaichanavijit, Giám đốc điều hành Hiệp hội Marketing Thái Lan, giãi bày với kênh Channel News Asia (Singapore): "Tôi không muốn có con bởi cuộc sống riêng của tôi đã quá nhiều vấn đề rồi".
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 9 năm ngoái của Học viện Quốc gia về quản lý phát triển Thái Lan (NIDA), 44% người tham gia bày tỏ ý định không có con. Các nguyên nhân hàng đầu được viện dẫn là chi phí nuôi con, lo ngại ảnh hưởng xã hội lên đứa trẻ…
Dù Thái Lan miễn học phí 12 năm ở các trường công, song ngân hàng trung ương nước này ước tính các bậc phụ huynh vẫn phải chi 1,6 triệu baht (khoảng 1,1 tỉ đồng) cho việc học hành của mỗi đứa con từ mẫu giáo lên đại học - gấp hơn 6 lần mức GDP bình quân đầu người của nước này.
Hơn phân nửa dân số Thái Lan lại đang sống ở đô thị, với chi phí sinh hoạt cao.
Tỉ suất sinh của Thái Lan chỉ đạt 1,08 vào năm ngoái, thấp thứ 2 Đông Nam Á (sau mức 0,97 của Singapore). Phó Thủ tướng Somsak Thepsutin cảnh báo nếu tiếp tục khuynh hướng này, dân số Thái Lan có thể giảm một nửa trong vòng 60 năm tới, từ 66 triệu người hiện tại xuống còn 33 triệu người.
Không chỉ vậy, với tư cách là nền kinh tế đang phát triển, Thái Lan có nguy cơ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trải nghiệm thực tế "chưa kịp giàu đã già".
Hiện số người trên 60 tuổi đã chiếm 1/5 dân số Thái Lan, với 41,4% số này có chưa tới 50.000 baht tiết kiệm vào năm 2021 - theo Hội đồng Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia. Trong khi đó, phải có khoảng 4,3 triệu baht tiết kiệm mới đủ "chuẩn" nghỉ hưu ở đô thị Thái Lan.
Chính phủ nước này đã bố trí gần 78 tỉ baht cho Quỹ Trợ cấp sinh hoạt người cao tuổi vào năm ngoái, song số người cao tuổi càng tăng thì ngân sách quốc gia càng căng thẳng.
Các mô hình dự đoán cho thấy Thái Lan có thể trở thành xã hội "siêu già", với số người trên 60 tuổi chiếm ít nhất 28% dân số vào năm 2033 hoặc sớm hơn.
Để hóa giải "quả bom nhân khẩu học" này, chính phủ Thái Lan đã vạch ra 3 chiến lược chính. Hai chiến lược đầu tập trung hỗ trợ việc sinh và nuôi con, bao gồm hỗ trợ trông nom trẻ, hỗ trợ tài chính, thuế cho các gia đình có nhiều con, điều chỉnh giờ làm việc linh hoạt cho các bà mẹ có con nhỏ...
Chiến lược thứ 3 là tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cả trẻ em lẫn người lớn tuổi.
Bình luận (0)