Từ quán cơm với suất 2.000 đồng đến mô hình "bún treo" độc đáo, những câu chuyện về lòng hảo tâm, sự chung tay của cộng đồng đã và đang góp phần tạo nên một TP HCM ấm áp nghĩa tình
Giữa nhịp sống hối hả của TP HCM, những quán cơm từ thiện, các tô "bún treo" lặng lẽ góp phần xoa dịu những mảnh đời khó khăn. Hơn cả một bữa ăn, đó là sự sẻ chia, yêu thương và lan tỏa tinh thần "lá lành đùm lá rách" quý báu.
Tấm lòng hào sảng
Hơn 10 năm qua, Quán cơm Xã hội Nụ Cười 1 trên đường Lý Thái Tổ, quận 10 đã trở thành điểm tựa quen thuộc của những mảnh đời khó khăn.
Mỗi sớm mai, quán cơm lại rộn ràng tiếng cười nói của các tình nguyện viên. Người vo gạo, người nhặt rau, người nhóm lửa, ai nấy đều hăng say với công việc chung, mang đến những bữa ăn ngon lành, ấm áp cho những người lao động nghèo. Đúng 10 giờ, những đĩa cơm nóng hổi được trao tận tay thực khách với giá chỉ 2.000 đồng. Mỗi ngày, quán phục vụ 500 suất ăn tại chỗ và chuyển hàng trăm phần cơm đến các mái ấm tình thương trên địa bàn thành phố.
Cô Ngô Thị Đinh Phương, một tình nguyện viên gắn bó với quán cơm 5 năm nay, chia sẻ: "Chúng tôi đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng có chung một tấm lòng yêu thương, muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, sau đợt dịch COVID-19, chứng kiến nhiều người lâm vào cảnh khốn khó, tôi càng thêm thôi thúc góp sức mình cho cộng đồng".
Không chỉ có những tình nguyện viên, quán cơm còn nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Có những nhà hảo tâm giấu tên, cũng có những sinh viên góp vài chục ngàn đồng. Cô Phương nhớ mãi hình ảnh người thanh niên khuyết tật làm nghề bán vé số, chắt chiu từng đồng để mua bao gạo 5 kg ủng hộ quán. "Tấm lòng của anh ấy luôn là động lực để tôi tiếp tục công việc thiện nguyện này" - cô Phương xúc động nói.
Cùng chung tinh thần "lá lành đùm lá rách", mô hình "bún treo" ở quận 8 cũng lan tỏa ấm áp tình người. Chủ quán, bà Trần Thị Thúy Hồng, mong muốn mang đến những tô bún thơm ngon cho người già neo đơn, người bán vé số… "Nhiều người ăn xong còn "treo" lại phần bún cho người khác, khiến tôi vô cùng cảm động" - bà Hồng chia sẻ.
Ở quận Bình Thạnh, quán cơm chay của bà Nguyễn Thị My đã trao đi hàng ngàn suất ăn miễn phí cho người nghèo trong suốt nhiều năm. Dù tuổi cao sức yếu, bà My vẫn đau đáu nỗi niềm: "Cứ nhìn bà con đến lấy cơm là thấy thương, mình phải cố gắng làm để họ được no lòng". Tiếp nối tấm lòng của mẹ, con gái bà My tiếp quản công việc bếp núc, duy trì hoạt động ý nghĩa của quán cơm.
Chung tay với bà My, ông Phan Sửu, một người hưu trí, mỗi ngày đều đặn mang 40 suất cơm đến Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. "Giờ già rồi, ở nhà cũng buồn, đi làm việc thiện vừa giúp đời, giúp người, lại thấy vui trong lòng" - ông cười hiền hậu nói.
Những quán cơm, những tô bún, những tấm lòng thơm thảo… Tất cả đã vẽ nên bức tranh đẹp về tình người, về sự sẻ chia giữa lòng TP HCM, nơi những mảnh đời khó khăn luôn có thể tìm thấy niềm tin và hy vọng.
Sức mạnh của sự chung tay
Hành trình duy trì các bếp ăn từ thiện không chỉ là câu chuyện của riêng những chủ quán, mà còn là bản hòa ca ấm áp về tình yêu thương và sự sẻ chia của cả cộng đồng. Đằng sau mỗi bữa cơm nghĩa tình là những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự chung tay góp sức của biết bao tấm lòng hảo tâm.
Con đường thiện nguyện chưa bao giờ trải đầy hoa hồng. Những người "chèo lái" các con thuyền nhân ái này luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn - từ vấn đề tài chính đến thiếu hụt nhân sự. Có những lúc Quán cơm Xã hội Nụ Cười 1 tưởng chừng phải dừng lại vì gánh nặng kinh tế. Nhưng rồi, bằng sự đồng lòng của cộng đồng, bằng những "cánh én" yêu thương mang đến những khoản đóng góp quý báu, quán cơm đã vượt qua sóng gió, tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình.
Sự ủng hộ đến từ khắp mọi nơi, từ những đồng tiền lẻ chắt chiu của người lao động nghèo đến những khoản tiền lớn của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Có những người dân lặng lẽ gửi gắm yêu thương qua những bao gạo, thùng mì, bó rau…, cũng có những tiểu thương âm thầm đóng góp nguyên liệu, góp phần tạo nên những bữa ăn ngon lành, đủ chất cho người khó khăn.
Cô Phương xúc động chia sẻ: "Có những lúc quán cơm rơi vào tình cảnh khó khăn, tưởng chừng phải đóng cửa, nhưng may mắn được cộng đồng luôn dang rộng vòng tay giúp đỡ. Có những lần, chúng tôi nhận được số tiền ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành với quán cơm hơn 10 năm qua. Nhờ sự giúp đỡ quý báu đó, Quán cơm Xã hội Nụ Cười 1 mới có thể tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay".
Không chỉ Quán cơm Xã hội Nụ Cười 1, mô hình "bún treo" của bà Hồng ở quận 8 cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng. Câu chuyện về những tô bún ấm lòng đã lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Từ những người dân bình thường, mỗi khi đến quán, họ đều "treo" thêm 1 - 2 tô bún cho người khác. Thậm chí, có những nhà hảo tâm âm thầm "treo" đến 50 - 60 tô mà không cần ai biết đến. "Chưa bao giờ quán tôi hết "bún treo". Bà con đến đây, chắc chắn sẽ có bún mang về" - bà Hồng tự hào nói.
Mỗi quán ăn, mỗi câu chuyện là một minh chứng sống động cho sức mạnh của tình yêu thương, sự sẻ chia. Chính những tấm lòng vàng ấy đã góp phần thắp sáng niềm tin, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, giúp họ vững bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Giảm lãng phí thực phẩm
Quán cơm chay của bà My, một điểm sáng ấm áp tình người giữa lòng TP HCM, đã duy trì hoạt động thiện nguyện suốt bao năm qua nhờ sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ Bà Chiểu và các khu chợ lân cận. Họ đã hào phóng sẻ chia những rau, củ, quả còn tươi ngon nhưng không đạt chuẩn thẩm mỹ, giúp quán cơm của bà My hầu như không tốn chi phí mua nguyên liệu.
Cô Đặng Thị Minh Hòa, con gái bà My, cho biết: "Nhờ những "món quà" ý nghĩa này, chúng tôi vừa có thể duy trì hoạt động thiện nguyện vừa góp phần giảm thiểu lãng phí thực phẩm". Hành động đẹp này không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, mà còn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng một xã hội bền vững.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)