"Má Chiếm ơi, má coi thông tin chỗ này đúng chưa rồi má ký cái báo cáo này giúp con"...
Bén duyên, chung thủy với nghề
Cuộc trò chuyện của phóng viên với bà Nguyễn Thị Chiếm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Điều hành Khu phố 4; Tổ trưởng Tổ dân phố 38, Khu phố 4 (phường 1, quận 3) bị gián đoạn bởi tiếng gọi từ một công chức trẻ của UBND phường 1. Hỏi thêm mới biết, cán bộ, công chức ở phường 1 nhiều người gọi bà Chiếm bằng cái tên thân thương "má Chiếm".
Ở tuổi 69 tuổi, với chất giọng Nam Bộ, bà Chiếm kể năm 1975 bà đã tham gia tổ dân phố. Lúc đó còn bỡ ngỡ, chưa biết tổ trưởng phải làm gì, song được mọi người động viên nên vững tin và xác định gắn bó lâu dài với công tác tổ dân phố.
Năm 1982, bà Chiếm được kết nạp Đảng. Một năm sau, bà làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Khu phố 4. Từ năm 2006, bà Chiếm chuyển công tác từ phường lên quận. Đến năm 2011, khi về hưu, bà quay về với công việc gắn bó nhiều năm. Trong đợt sáp nhập, chia tách khu khố, ấp lần này, bà Chiếm tiếp tục được tin tưởng giao nhiệm vụ Bí thư Chi bộ Khu phố 4.
"Nhìn bà con khó khăn tôi thương lắm, nên khi giúp được gì cho họ thì trong người sảng khoái, vui vẻ, tối về ngủ ngon" - bà nói. Theo người phụ nữ có gần nửa thế kỷ gắn bó với việc "vác tù và hàng tổng", mấu chốt của công tác này là phải làm tốt dân vận, chữ tâm đặt lên hàng đầu. Bản thân người bí thư, trưởng khu phố phải gương mẫu, nói là làm, sắp xếp công việc hợp lý để ban điều hành khu phố vận hành trôi chảy.
Là người chứng kiến cả chặng đường cống hiến của bà Chiếm, bà Lương Thị Thanh Nhàn, 68 tuổi, ngụ Khu phố 4, nhận xét bà Chiếm rất vui vẻ, năng nổ, hoạt bát và sống tình nghĩa.
Phần thưởng lớn nhất là dân tin yêu
Ở phường Tân Định, quận 1, nhiều người dành cho Bí thư kiêm Trưởng Khu phố 7 Lê Ngữ sự yêu mến, quý trọng. Sau đợt sắp xếp, chia tách, sáp nhập này, ông Ngữ tiếp tục được tín nhiệm làm Bí thư Khu phố 11 mới.
"Ông Ngữ tốt lắm, lúc nào cũng thương và lo cho bà con, ai gặp khúc mắc cũng tìm đến. Mỗi năm, ông Ngữ đều vận động để có quà, tiền tặng cho những người còn khó khăn" - bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, 59 tuổi, ngụ địa phương, cảm nhận.
Đúng như lời bà Hương, người dân khu phố rất quen với hình ảnh ông Ngữ giản dị, thân thiện trên chiếc xe Dream cũ đi khắp khu phố để sẵn lòng lắng nghe, hỗ trợ bất cứ ai. Đặc biệt, thời điểm TP HCM phải phong tỏa do dịch COVID-19, hình ảnh ông Ngữ đi đến từng nhà, mồ hôi nhễ nhại, tay cầm loa gọi từng hộ dân ra nhận gói an sinh đã in đậm trong lòng họ.
Trong nhiệm vụ của mình, xác định công tác là tự quản, vận động cùng nhau làm chứ không có mệnh lệnh hành chính nên bên cạnh việc sâu sát, chuyện gì ông Ngữ cũng thể hiện gương mẫu. Chỉ tay về con hẻm trước trụ sở Ban Điều hành khu phố, Bí thư Khu phố 11 nói lúc trước không được sạch sẽ như vậy. Sau đó, sáng nào ông cũng dậy sớm, quét con hẻm thật kỹ. Thấy hẻm bỗng dưng thoáng, đẹp, người dân tự giác hình thành ý thức chung tay giữ gìn vệ sinh.
Cách làm nữa của ông Ngữ là chuyện gì của khu phố, dù lớn dù nhỏ cũng công khai, minh bạch, luôn bảo đảm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Các cuộc vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng khu phố xanh - sạch - đẹp; bảo đảm an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường... đạt kết quả là minh chứng cho cách làm ấy.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Tân Định Phạm Xuân Khánh, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ, với vai trò Bí thư Chi bộ, trưởng khu phố, ông Ngữ còn là đồng chí thân tình với đội ngũ lãnh đạo phường, có nhiều góp ý xây dựng phường ngày càng phát triển.
Giờ đây, ở tuổi 68, ông Ngữ vẫn miệt mài với việc chung. Niềm vui mỗi ngày của ông là được nghe người dân "méc" chuyện của khu phố. Ông tâm niệm bản thân đến với bà con bằng sự chân thành thì bà con dùng sự chân thành để đối đãi.
37 năm thầm lặng cống hiến cho hoạt động tổ dân phố, rồi khu phố nhưng ông Ngữ chưa bao giờ nhận đó là những việc lớn lao. Được trao nhiều bằng khen, giấy khen trong thực hiện nhiệm vụ, ông coi phần thưởng vô giá hơn chính là sự tín nhiệm, yêu thương của nhân dân, nhất là khi khu phố nơi ông ở đạt chuẩn "Khu phố văn hóa" 19 năm liên tục (2005-2023).
Bí thư Đảng ủy phường Tân Định Phạm Xuân Khánh nhận xét ông Ngữ rất trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Phường rất mong ông tiếp tục cống hiến trong thời gian tới để phát huy hơn nữa những kết quả của khu phố đạt được.
Luôn tìm tiếng nói chung
Một người luôn thầm lặng cống hiến khác, ông Lê Xuân Quyền, 74 tuổi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Khu phố 2 (phường 1, quận Bình Thạnh). Ông Quyền vừa được tin tưởng chỉ định làm Bí thư Khu phố 3 mới sau khi phường sắp xếp lại khu phố, ấp.
Ông Quyền có 33 năm làm bí thư chi bộ, hơn 20 năm làm Bí thư kiêm trưởng Khu phố 2. Phát huy dân chủ là cách ông Quyền tạo uy tín, sự tin tưởng của người dân. "Việc lớn việc nhỏ gì của khu phố cũng đưa ra dân bàn, dân thảo luận" - ông Quyền cho biết. Bản thân ông cũng thường xuyên gần gũi với mọi người để nắm bắt tình hình, giải tỏa các thắc mắc cho người dân và kịp thời thông tin về Đảng ủy - UBND phường để có hướng giải quyết cụ thể, hợp lòng dân.
Vừa là đảng viên vừa là người đứng đầu khu phố, ông Quyền ý thức rõ việc gương mẫu, chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước. Từ đó biến thành hành động, góp phần tuyên truyền vận động đảng viên, người dân học tâp và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, ông Quyền cùng khu phố vận động các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp để gắn 18 camera an ninh toàn khu phố 2 với kinh phí trên 160 triệu đồng, nhờ vậy an ninh trật tự trong khu vực được giữ vững. Bản thân ông trực tiếp vận động góp phần chăm lo cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo hiếu học, khen thưởng các em có thành tích cao trong học tập mỗi năm từ 15-20 triệu đồng.
(Còn tiếp)
Bí quyết vẹn toàn
Bí quyết của những người quanh năm "vác tù và hàng tổng" là muốn làm tốt thì điều tiên quyết là "đảm việc nhà". Bà Chiếm kể mỗi ngày thức dậy từ 5 giờ sáng, lo nhà cửa xong rồi mới xuống khu phố "la cà". Hôm thì ngồi quán này, bữa thì ngồi quán kia, vừa là thói quen vừa là nắm tình hình khu phố. Từ việc làm ấy, chồng bà bị thuyết phục lúc nào không hay và tự nguyện hỗ trợ nhiệt tình.
Với ông Ngữ, khi về đến nhà là việc gì cũng làm, từ phụ cơm nước, rửa chén đến đấu điện, sửa ống nước. Ông không nề hà bất cứ việc gì nên vợ ông rất ủng hộ công việc của ông ở khu phố.
"Để làm được công việc "vác tù và hàng tổng" phải xác định làm bằng cái tâm của mình. Sẽ có những lúc kết quả không trọn vẹn nhưng không vì thế mà đắn đo, chùn bước hay nản chí. Chỉ cần được dân tin tưởng thì việc gì cũng xong" - ông Ngữ nói thêm về nghề như vận vào cuộc đời của mình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-4
Bình luận (0)