Đại diện của 175 nước có mặt tại TP Ottawa - Canada từ ngày 23-4 để thảo luận về tiến triển soạn thảo hiệp ước toàn cầu đầu tiên nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa. Dự kiến kéo dài đến ngày 29-4, vòng đàm phán mới nhất này đối mặt không ít thách thức, nhất là khi các nước đang bị chia rẽ về mức độ tham vọng của hiệp ước.
Tại kỳ họp Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc hồi năm 2022, các nước đã nhất trí phát triển một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý vào cuối năm 2024 để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Ngoài chuyện ô nhiễm rác nhựa, việc sản xuất nhựa cũng tạo khí thải nhà kính. Theo báo cáo mới đây của Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), ngành công nghiệp nhựa hiện chiếm 5% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu và tỉ lệ này có thể tăng lên 20% vào năm 2050 nếu các xu hướng hiện tại tiếp diễn.
Hầu hết nhựa nguyên sinh được sản xuất từ dầu mỏ. Ngoài ra, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng nhựa hằng năm hiện ở mức 460 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi trong 20 năm.
Con số này có thể tăng gấp 3 trong vòng 40 năm trừ khi hiệp ước đặt ra giới hạn sản xuất như đề xuất của một số nước. Cũng theo OECD, hiện chỉ 9% sản phẩm nhựa được tái chế.
Trước sự kiện ở Ottawa đã có 3 vòng đàm phán diễn ra, lần lượt tại TP Punta del Este - Uruguay, TP Paris - Pháp và TP Nairobi - Kenya. Đáng chú ý, tại các cuộc thương thảo ở Nairobi hồi tháng 11-2023, bản dự thảo hiệp ước được xem xét đã tăng từ 30 trang lên 70 trang khi một số quốc gia đòi hỏi đưa ý kiến phản đối của mình đối với một số biện pháp đầy tham vọng, như giới hạn sản xuất và loại bỏ dần nhựa.
Các quốc gia hiện đối mặt sức ép phải tìm được tiếng nói chung trước khi vòng đàm phán cuối cùng dự kiến diễn ra tại TP Busan - Hàn Quốc vào tháng 12-2024.
Theo Reuters, một liên minh khoảng 60 nước, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản..., muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Được ủng hộ bởi một số tổ chức môi trường, liên minh này đã đề xuất một số biện pháp như giảm sản xuất và sử dụng nhựa, loại bỏ dần sản phẩm nhựa dùng một lần và cấm một số phụ gia hóa học có thể gây rủi ro cho sức khỏe.
Mỹ cũng tuyên bố muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nhưng lại muốn các nước tự đề ra kế hoạch để đạt mục tiêu này cũng như thường xuyên gửi đến Liên Hiệp Quốc các chi tiết kế hoạch đề ra.
Hơn 200 công ty cũng tham gia một liên minh ủng hộ hiệp ước nhựa toàn cầu. Theo một tuyên bố đưa ra trước thềm vòng đàm phán ở Ottawa, nhóm này ủng hộ một văn kiện gồm các biện pháp giới hạn sản xuất, các chính sách tái sử dụng, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quản lý chất thải...
Ở chiều ngược lại, một nhóm quốc gia, trong đó có Ả Rập Saudi, Iran... đang phản đối động thái hạn chế sản xuất nhựa. Ngành công nghiệp nhựa lập luận rằng một bước đi như thế sẽ dẫn đến giá cao hơn đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, họ muốn tập trung vào việc khuyến khích tái sử dụng hoặc tái chế nhựa, đồng thời cho rằng công ty nhựa nên được phép công bố các hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất trên tinh thần tự nguyện.
Bình luận (0)