Theo tờ South China Morning Post, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu của 50.000 người từ 40-69 tuổi được thu thập bởi Biobank - ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh. Trong số này, 1.400 người bị chẩn đoán mất trí nhớ sau 10 năm theo dõi.
Những người này đều được Biobank thu thập dữ liệu chi tiết nhiều lần về các dấu ấn sinh học trong máu của họ, bao gồm 1.400 protein có thể liên quan nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau.
Theo GS thần kinh học Yu Jintai từ Bệnh viện Huashan (Trung Quốc) - tác giả chính của nghiên cứu, yếu tố then chốt dẫn đến thành công của nghiên cứu là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng để xác định các protein nào trong số 1.400 dấu ấn sinh học nói trên liên quan việc phát triển tình trạng mất trí nhớ trong tương lai.
Thuật toán học máy cũng được sử dụng để xác định protein nào có thể tạo ra mô hình dự đoán tốt hơn. Nhờ đó, việc tìm kiếm các dấu ấn sinh học này thông qua xét nghiệm máu có thể giúp dự đoán nguy cơ mất trí nhớ.
Phương pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán các loại bệnh mất trí nhớ, trong đó có Alzheimer, đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn kỳ vọng có thể phát hiện nó sớm hơn nữa, trước khi các triệu chứng lâm sàng khởi phát để có thể chẩn đoán và can thiệp sớm.
Nghiên cứu quy mô lớn về protein trong máu nói trên còn có thể được ứng dụng để tạo ra các loại thuốc tiềm năng, cũng như các biện pháp can thiệp chẩn đoán hiệu quả hơn.
Sau thành công ban đầu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Aging, nhóm của GS Yu tiếp tục nghiên cứu mở rộng trên một nhóm người Trung Quốc Nhóm cũng tiếp tục sử dụng dữ liệu Biobank để tìm kiếm phương pháp dự đoán tương tự đối với các bệnh khác liên quan đến não như trầm cảm và Parkinson.
Bình luận (0)