Nga Sơn là vùng đất nằm bên bờ biển, cách TP Thanh Hóa của tỉnh Thanh Hóa 40 km về hướng Đông Bắc. Vùng đất này từ xa xưa đã đi vào thi ca, với câu ca dao ngọt ngào: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông".
Vàng son một thuở
Nga Sơn là nơi có truyền thuyết quả dưa hấu Mai An Tiêm, có khởi nghĩa Ba Đình kiêu hùng một thuở.
Ngoài 50 tuổi, bà Nguyễn Thị Thành (ngụ thôn Đô Lương, xã Nga Thủy) gần như gắn cả cuộc đời mình với cây cói. Bà kể từ nhỏ, lúc còn đi học, bà từng theo mẹ ra đồng cói. Cả vùng quê này bạt ngàn màu xanh của cói. Đến mùa thu hoạch, làng vui như hội. Trai gái, già trẻ cùng ra đồng cắt cói về phơi, chẻ, đan chiếu.
Tối đến, nhà nào cũng có vài người ngồi quây quần dệt chiếu tới khuya mới nghỉ. Lớn lên, bà cũng được những người đi trước truyền nghề. Sau này, khi lấy chồng, bà vẫn gắn bó với cây cói cho tới tận bây giờ.
"Cói như máu thịt của làng, của xã. Dù có lúc thăng trầm khó khăn thực sự nhưng cói luôn là niềm kiêu hãnh của quê tôi. Các cụ kể ngày xưa chiếu cói Nga Sơn cùng chiếu cói của Kim Sơn (Ninh Bình) được dùng để cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa ưa dùng. Sau này, quê tôi vẫn giữ nghề, đưa thương hiệu chiếu Nga Sơn đi khắp nơi và xuất sang nước ngoài. Cây cói thật sự đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo" - bà Thành tự hào.
Đi dọc vùng triều, gặp những người dân chân chất nơi đây, nghe ai cũng tự hào khi nhắc về cây cói. Bởi loài cây này không chỉ nuôi sống bao gia đình mà còn là "nhân chứng sống" chứng kiến bao thế hệ người dân nối tiếp hăng say lao động, góp phần xây dựng mảnh đất Nga Sơn phát triển hưng thịnh như ngày nay.
Không biết có phải vùng đất này sinh ra chỉ để cho cây cói "ở đời ở kiếp" hay không mà ngoài cây cói thì chẳng có loài cây nào hợp với thổ nhưỡng.
Có những thời điểm, cói rớt giá thê thảm khiến người trồng cói điêu đứng. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, chất đống đến mốc. Cói tới vụ người dân chẳng buồn thu hoạch, để chết khô ngoài đồng. Đã có người chán chường, thử tìm loài cây mới về trồng nhưng chẳng thay thế được cây cói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Nga Thủy) hiện trồng khoảng 25 sào cói. Với 2 vụ trong năm, gia đình ông có thể thu hoạch được hơn 10 tấn cói. Với giá bán hiện khoảng 100.000 đồng/kg (sợi thô) và khoảng 150.000 đồng/kg (sợi lõi), trừ chi phí, gia đình ông không có lãi, phải lấy công bù lỗ.
"Gia đình trồng cói cũng ngót 20 năm nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy cây cói có đầu ra ổn định cả. Giá cả cứ lên xuống thất thường. Chẳng hạn như 2 năm trở lại đây, giá cói xuống thấp khiến người dân lâm cảnh khó khăn" - ông Thắng chia sẻ.
Nhà bà Nguyễn Thị Thành gần đó cũng có 30 sào cói, năm nay thu hoạch được khoảng 15 tấn. Giống ông Thắng, bà Thành 2 năm nay trồng cói chỉ lấy công làm lãi. Theo bà Thành, ngày trước chiếu cói được giá, người dân thu hoạch cói về tự dệt chiếu cung ứng cho thị trường nên có thu nhập, bây giờ bà con chủ yếu bán sợi, giá trị thấp, thành ra "càng làm càng lỗ".
"Ngày trước, Nga Thủy là xã trồng cói nhiều nhất nhì huyện, gần như toàn bộ dân trong xã đều trồng cói, nhà nào cũng có vài người dệt chiếu. Bây giờ, tìm mỏi mắt mới thấy vài gia đình còn bám nghề dệt. Thị trường hiện nay tràn ngập chiếu trúc, chiếu nhựa, giá thành rẻ gấp 10 lần một tấm chiếu cói, chính vì thế nghề dệt chiếu truyền thống mất chỗ đứng, có nguy cơ thất truyền" - bà Thành trầm tư.
Nặng duyên với cói
Trước những đổi thay của thời cuộc, sản phẩm chiếu cói truyền thống từng mất dần thị trường. Để những cánh đồng cói lại xanh tốt, trường tồn với vùng đất này, đã có những người con Nga Sơn sinh ra từ cói, lớn lên nhờ cói, chứng kiến sự "chìm nổi" của cói, nay tiên phong tìm hướng đi, định vị lại chỗ đứng cho cây cói.
Bà Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Việt Trang (thị trấn Nga Sơn), là một trong những người đầu tiên tìm hướng đi mới cho cây cói Nga Sơn. Bà Việt hiện cũng là nghệ nhân duy nhất ở vùng cói. Theo lời bà kể, những năm sau ngày đất nước độc lập, nghề dệt chiếu ở Nga Sơn phát triển mạnh mẽ để xuất sang thị trường Liên Xô và Đông Âu. Thời đó, cây cói đã mang lại cuộc sống no ấm cho người dân. Nhưng tới những năm 1989, thị trường này không còn. Chiếu bán ra không có người mua hoặc giá rẻ mạt. Từ một gia đình có cuộc sống khá giả, bà Việt rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì không bán được hàng.
Không chỉ bà Việt mà nhiều người dân vùng cói thời điểm đó cũng lao đao, đổ nợ. Nghề chiếu cói truyền thống gần như ngưng trệ. Cùng đường, nhiều gia đình phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Bà Việt cũng phải xoay xở nghề khác để nuôi 5 đứa con.
Từ đó, mỗi lần về quê, thấy cánh đồng cói xác xơ, bà Việt không đành lòng, nên quyết định vực lại nghề cói. Bà lặn lội khắp nơi tìm đối tác. Bà có 2 con gái thông thạo ngoại ngữ nên khi học xong thì quay về chung tay cùng mẹ tìm kiếm thị trường, ký các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nước ngoài.
Nhờ đó, cây cói Nga Sơn hồi sinh, các sản phẩm từ cói không chỉ dừng lại ở việc đan chiếu mà còn làm ra được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được các bạn hàng nhiều nơi ưa thích. Đến nay, sản phẩm của Công ty TNHH Việt Trang đã xuất khẩu sang 17 nước trên thế giới, trong đó có các bạn hàng lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Tương tự, anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty Chế biến Xuất khẩu cói Việt Anh (xã Nga Liên), cũng nặng duyên với cây cói và nghề cói của cha ông để lại. Từ những ngày đầu chủ yếu nhập chiếu cói cho thị trường Trung Quốc, anh Tôn đã mở rộng tìm kiếm bạn hàng ở những thị trường khó tính. Bây giờ, công ty của anh Tôn chuyên sản xuất các mặt hàng có chất liệu từ cói, mây, bèo tây, tre, nứa… xuất sang các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Áo, Úc, Cộng hòa Czech... Từ đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và gián tiếp giúp hàng ngàn hộ dân trong huyện qua việc tiêu thụ nguyên liệu.
Có lẽ nhờ vậy mà khi lang thang về Nga Sơn, đi dọc các xã ven biển Nga Liên, Nga Thái, Nga Thủy, Nga Tiến, Nga Điền… từ sông Càn tới cửa biển Lạch Sung, tôi đã thấy những cánh đồng cói đang được nông dân cần mẫn chăm sóc tươi tốt, vươn mình nơi cửa biển. Cói được phơi khắp các đường làng, ngõ xóm. Những cô, những mẹ chuyện trò râm ran bên máy xe sợi lõi. Quả không ngoa khi nói cây cói là người bạn thân thiết, là nguồn sống của các thế hệ người dân Nga Sơn.
Thị trường chuyển dịch
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết nghề truyền thống dệt chiếu ở Nga Sơn đã không còn chỗ đứng do thị trường chiếu đã chuyển dịch, người dân nay dùng đệm, chiếu trúc, chiếu nhựa… Vì thế, phần lớn cói của Nga Sơn được sử dụng làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cói chẻ xuất khẩu. Năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành cói ước đạt 11 triệu USD.
"Để nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm từ cói, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình định hướng xây dựng sản phẩm OCOP từ cói. Đến nay, toàn huyện có 13 sản phẩm OCOP từ cói đã được công nhận từ 3 sao trở lên. Năm 2023, UBND huyện ban hành chương trình hỗ trợ cải tạo hạ thấp mặt bằng cói hoang hóa, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/ha" - bà Hương cho hay.
Trước năm 2010, Nga Sơn có trên 2.000 ha cói, đến năm 2015 chỉ còn 858 ha, năm 2023 còn 745 ha. Theo lộ trình, tới năm 2025, diện tích cây cói sẽ giảm còn khoảng 600 ha. Huyện Nga Sơn cho biết diện tích giảm nhưng sẽ đẩy mạnh thâm canh, tăng giá trị cho cây cói.
Đến Nga Sơn khi chiều về, tiếng loa phát thanh vang lên lời của một bài hát quen thuộc: "Về Nga Sơn mua một đôi chiếu/ Tặng cho ai khi mùa xuân tới/ Đây chiếu Nga Sơn dệt bao mối tình…". Lời bài hát chất chứa tình đất, tình người Nga Sơn, nên dù "long đong, chìm nổi" họ vẫn gắn chặt với cây cói là vậy.
Bình luận (0)