Ngày 16-2, tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thẩm định dự án Bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP Thanh Hóa.

Thắng cảnh Hòn Vọng Phu trên núi Nhồi có nguy cơ đổ sập sau 2 lần bị sét đánh
Theo tờ trình, Hòn Vọng Phu được cấu tạo từ đá vôi, theo thời gian, Hòn Vọng Phu bị phong hóa, nứt nẻ. Kết quả khảo sát của ngành chức năng cho thấy có mặt tầng đất tàn tích, sườn tích hay các đới đá nứt nẻ, vỡ vụn dày trên bề mặt tại vết lộ địa chất phần đồi núi cũng như các tảng nứt vỡ, chứng tỏ quá trình phong hóa đất đá đã diễn ra mạnh mẽ. Quá trình phong hóa làm biến đổi thành phần của đá gốc, đá mất tính liền khối, giảm đi độ bền của khối đá.
Đặc biệt, qua 2 lần bị sét đánh, bị tác động của các hoạt động khai thác đá, nổ mìn... ở khu vực xung quanh nên gây chấn động cho kết cấu Hòn Vọng Phu, dẫn đến vết nứt phong hóa ngày càng mở rộng. Vì vậy, chỉ cần những tác động nhỏ bất thường (mưa, gió, động đất, nổ mìn...) cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn và đe doạ sự sụp đổ của Hòn Vọng Phu.

Cột đá bị sét đánh trúng gây bong tróc, nứt vỡ
Trước nguy cơ di tích này có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào, tháng 9-2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định duyệt chi 17 tỉ đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh) để "cứu" danh thắng này. Thời gian hoàn thành trước ngày 30-4-2025.
Theo đề án, mục tiêu là đưa ra giải pháp bảo tồn, gia cố, gia cường đảm bảo sự bền vững của di tích Hòn Vọng Phu, tạo độ cứng ổn định, chống đỡ được các chuyển dịch dưới bất cứ tác động nào của thời tiết và môi trường xung quanh.
Trước đó, theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, đêm 15-6-2022, di tích Hòn Vọng Phu đã bị sét đánh trúng, gây sạt lở khối đá kích thước 1x3 m phía tây và khối đá kích thước 2,5x3 m phía đông.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi sét đánh mà công trình này trước đây còn bị ảnh hưởng rất lớn từ các hoạt động nổ mìn, khai thác đá quanh ngọn núi này
Sau sự cố trên, Hòn Vọng Phu đã bị tróc vỡ, xuất hiện nhiều vết nứt, hiện có độ nghiêng theo phương thẳng đứng từ 10 - 15 độ, và có nguy cơ tiếp tục bị sét đánh gây sụp đổ nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, bảo tồn.
Di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu nằm trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi; phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là một cột đá cao khoảng 20 m, giống hình người phụ nữ ôm con. Di tích này được xem là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa.
Cụm di tích này được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 1992 gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và Hòn Vọng Phu.
Bình luận (0)