* Phóng viên: Từ ý tưởng nào ông đã sáng tác ca khúc "Người Sài Gòn - TP HCM"?
- Nhạc sĩ NGUYỄN NGỌC THIỆN: Từ năm 2023 tôi đã có viết vài bài hát về thành phố thân yêu của chúng ta nhưng chưa có bài nào nói về khía cạnh tình cảm rất riêng cùng cá tính của con người Sài Gòn - TP HCM. May mắn tôi đã bắt gặp bài thơ của Nguyễn Đình Huân có được những gì tôi đang ấp ủ, thế là tôi đã phổ bài thơ này thành một ca khúc. Lời thơ dạt dào tình cảm, ngôn từ sâu sắc, dễ đi vào lòng người, ai cũng yêu quý thành phố này, cùng nhìn thấy những thay đổi, nhưng cốt cách con người Sài Gòn - TP HCM thì vẫn không thay đổi.
* Ông muốn gửi gắm thông điệp nào vào ca khúc này? Lâu nay giới sáng tác vẫn cho rằng viết ca khúc tham gia theo chủ đề rất dễ bị khô cứng?
- Với ca khúc này, tôi muốn nói lên phần nào tính cách của người dân TP HCM, khao khát được cống hiến, dù ai ở tỉnh - thành nào vào sinh sống ở Sài Gòn - TP HCM cũng đều cảm thấy yêu mến nơi này. Bởi, con người ở đây sống hiền lành, chất phác. "Sài Gòn vô tư, người đông đất rộng, đã gặp một lần là hổng muốn quên. Đất Sài Gòn là nơi gặp nhau, cả ba miền hòa nhịp chung cuộc sống, thành phố ơi sao mà thương đến thế, người Sài Gòn cứ sống để yêu nhau". Riêng về nhận định ca khúc tham gia theo chủ đề rất dễ bị khô cứng, theo tôi vấn đề bài hát cần phải có sự đầu tư và phối hợp đồng điệu của tác giả, nhạc sĩ làm hòa âm và ca sĩ thể hiện thì mới có một sản phẩm hay gửi đến người yêu âm nhạc. Nếu tách rời 3 yếu tố này thì khó mà có sản phẩm hay để đưa đến công chúng.
* Kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất về TP HCM - nơi ông sinh sống và làm việc?
- Đi đâu xa tôi cũng muốn được quay về, bởi một thành phố xanh tươi và sinh động. Tôi rất vui khi những ca khúc mình sáng tác được khán giả, trong đó có bạn đọc Báo Người Lao Động, đón nhận. Đi đâu cũng nghe bà con hát, hát bằng giọng Sài Gòn, rồi có khi nghe giọng hát của nhiều vùng miền khác nhau, tôi cảm thấy hạnh phúc khi các ca khúc của mình đã đi vào đời sống và gắn bó với hành trình xây dựng TP HCM.
* Hiện nay để phổ biến những ca khúc viết về TP HCM đến số đông khán giả trẻ, theo ông cần phải tập trung vào mũi nhọn nào trong công tác quảng bá?
- Để ca khúc lan tỏa đến với số đông nhất là khán giả trẻ, theo tôi phải tạo cho tác phẩm có nhiều dịp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, trong đó truyền hình đóng vai trò rất quan trọng.
Trước đây, mỗi tuần HTV đều có những giờ vàng dành cho việc giới thiệu sáng tác mới, trong đó có nhiều ca khúc viết về TP HCM; nhưng sau này giờ phát sóng đổi khác, khán giả không có điều kiện thuận tiện để theo dõi nữa, như vậy thì khó tạo hiệu quả tốt để tiếp cận khán giả, nhất là thế hệ trẻ.
* Giới trẻ đã sáng tác nhiều ca khúc viết về TP HCM, ông có đặt niềm tin ở thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay sẽ có nhiều ca khúc hay với những góc nhìn khác nhau về thành phố mang tên Bác?
- Tôi tin là như vậy vì giới trẻ hiện nay rất năng động, họ tìm mọi cách để đưa sản phẩm âm nhạc đến mọi người, qua các nền tảng số. Nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ và cả những nhóm hát, họ vẫn hằng ngày nung nấu quyết tâm đưa những sáng tác mới của mình, trong đó có viết về TP HCM, đến với người yêu nhạc trong và ngoài nước.
* Để viết một ca khúc về TP HCM, bản thân người nhạc sĩ cần chọn chất liệu, câu chuyện như thế nào?
- Tôi chỉ có một nguyên tắc, đó là chọn những chất liệu tiêu biểu và chắt lọc tinh tế những điều mà tôi bắt gặp thường xuyên hằng ngày. Thành phố của chúng ta thay đổi rất nhiều, rất nhanh khiến những ai đi xa quay về đều cảm thất ngỡ ngàng. Nhưng cốt cách con người và cả tâm tính của người Sài Gòn - TP HCM vẫn vậy, vẫn sống chan hòa, hết lòng chia sẻ và luôn cùng nhau hướng đến cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
* Ông kỳ vọng gì vào cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" của Báo Người Lao Động?
- Tôi tin sẽ có nhiều tác phẩm hay với nhiều góc nhìn sinh động và tinh tế của các nhạc sĩ trong thời đại mới. Tin rằng bước vào năm 2025 với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" sẽ có thật nhiều ca khúc hay hát về thành phố thân yêu của chúng ta.
Tôi được biết trong đêm trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 của Báo Người Lao Động sẽ có một số ca khúc đoạt giải "Đất nước trọn niềm vui" được chọn dàn dựng thật đẹp, để ca sĩ ngôi sao thể hiện. Đây là thông tin mà các nhà chuyên môn rất quan tâm, đồng thời khán giả cũng thích thú, vì chúng ta sẽ được thưởng thức những giai điệu, được cảm nhận những cảm xúc sinh động về TP HCM - nơi chúng ta đã và đang sinh sống, làm việc.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Ban Tổ chức (BTC) sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025, trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, BTC sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (khoảng tháng 1-2025). Song song đó, BTC cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu cho cộng đồng.
Mỗi tác giả tham dự tối đa 3 tác phẩm. Tác phẩm gửi về BTC có đủ phần nhạc và phần lời tiếng Việt, có kèm CD đã thu âm ca khúc hoặc file MP3, MP4. Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm mới, chưa công bố trên mọi hình thức và không có tranh chấp bản quyền. BTC sẽ không xét, chấm giải đối với các tác phẩm sao chép, mô phỏng ý tưởng và giai điệu, lời ca của tác giả khác trong và ngoài nước.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp tháng 4-2025. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất (100 triệu đồng), 1 giải nhì (50 triệu đồng), 2 giải ba (30 triệu đồng/giải), 3 giải khuyến khích (10 triệu đồng/giải).
* Địa điểm nhận tác phẩm tham dự:
- Phòng Sự kiện và Phát triển thương hiệu Báo Người Lao Động. Địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; điện thoại: (028) 39301820; email: cuocthistcknld@gmail.com.
- Hình thức gửi tác phẩm tham dự: gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua email.
Bình luận (0)