Sáng 2-9, một bác sĩ có uy tín trong ngành phục hồi chấn thương thể thao đã đăng trên trang Facebook cá nhân bày tỏ sự lo lắng về tình trạng chấn thương của trung vệ Trần Đình Trọng. Tuy nhiên, vì ngại làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của trung vệ tuyển Việt Nam, vị bác sĩ này đã gỡ dòng trạng thái ngay sau đó, nhưng vẫn cảm thấy băn khoăn trước viễn cảnh: "Liệu Đình Trọng có trở thành một Nguyễn Tuấn Anh nữa hay không?".
Ai cũng biết Tuấn Anh là mẫu tiền vệ tài hoa nhất của bóng đá Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vấn đề là quãng thời gian chơi bóng chỉ chiếm 1/3 thời gian tiền vệ CLB HAGL phải chữa trị đa chấn thương với đôi chân được ví như "pha lê" của mình. Mới 25 tuổi nhưng Tuấn Anh đã trải qua 13 ca phẫu thuật trong sự nghiệp. Nếu không có nghị lực phi thường, Tuấn Anh có lẽ đã bỏ cuộc, thay vì trở thành ngôi sao của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo trong hơn 1 năm trở lại đây. Tiếc là nay đến lượt Đình Trọng!
Đình Trọng có thể phải nghỉ thi đấu hết năm 2020 Ảnh: Đức Anh
Điểm qua gần 15 tháng kể từ ngày Đình Trọng rời xa sân cỏ vì đứt dây chằng gối, mới thấy bất an về chấn thương của anh. Giữa tháng 6-2019, Đình Trọng gặp chấn thương và được chẩn đoán đứt bán phần dây chằng chéo trước và dập dây chằng bên mác đầu gối trái. Ngày 24-6, CLB Hà Nội đưa Đình Trọng sang Singapore và một ngày sau, ca phẫu thuật được tuyên bố thành công. Trước đó, Đình Trọng từng bỏ lỡ Asian Cup 2019 vì phải phẫu thuật xương bàn chân tại Hàn Quốc nhưng so với ca mổ gối thì mức độ không nghiêm trọng bằng.
Kể từ ngày 25-6-2019 đến nay, Đình Trọng trải qua thêm 2 ca phẫu thuật. Ngoại trừ quãng thời gian tập luyện và thi đấu ở VCK U23 châu Á 2020 tại Thái Lan, Đình Trọng thường xuyên có mặt ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF (Hưng Yên) để tập phục hồi dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Choi Ju-young. Với tay nghề của bác sĩ Choi, nhiều tuyển thủ đã phục hồi hoàn toàn và trở lại thi đấu sau phẫu thuật như Tuấn Anh, Xuân Trường (HAGL), Phan Văn Đức (SLNA), Nguyễn Huy Hùng (Quảng Nam)... Riêng trường hợp Đình Trọng, mọi chuyện vẫn rất bí ẩn, nhất là cuộc tiểu phẫu sụn chêm tại TP HCM vừa qua, liệu có liên quan gì đến dây chằng gối của trung vệ này hay không vẫn được phía CLB Hà Nội giữ kín.
Sáng 2-9, Đình Trọng đăng tải dòng trạng thái vui vẻ để trấn an người hâm mộ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bao giờ Đình Trọng bình phục hoàn toàn, có thể ra sân trở lại thì vẫn không có lời đáp. Đình Trọng từng nói: "Sau nhiều lần gặp phải chấn thương không đáng có, quay trở lại sớm để rồi tái phát, tôi đã rút ra nhiều bài học". Đây được xem là lời tự nhận lỗi của trung vệ 23 tuổi khi vội vàng quay trở lại sân cỏ. Lỡ từ Asian Cup đến SEA Games 2019, Đình Trọng không muốn mất nốt VCK U23 châu Á 2020. Sự khao khát tạo nên động lực muốn ra sân cống hiến. Cuối cùng, U23 Việt Nam về nước sớm còn Đình Trọng mất cả năm 2020 để điều trị chấn thương.
Đây là bài học không chỉ dành cho Đình Trọng mà còn dành cho HLV Park Hang-seo, người quyết định đưa Đình Trọng đến Thái Lan thi đấu.
Bình luận (0)