Ngày 14-9, Ban Kỷ luật LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã ban hành một loạt quyết định kỷ luật dành cho CLB Hà Nội, Nam Định cũng như ban tổ chức (BTC) sân Hàng Đẫy do để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng khiến một nữ cổ động viên (CĐV) cùng một cảnh sát cơ động phải nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, một án phạt liên quan đến CLB Nam Định lại khiến dư luận hoài nghi về tính pháp lý, khi VFF cấm Nam Định phải thi đấu 2 trận sân khách mà không có CĐV.
Theo án phạt do Ban Kỷ luật VFF công bố, CLB Hà Nội bị phạt 85 triệu đồng, buộc thi đấu trên sân nhà (sân Hàng Đẫy) không có khán giả 2 trận kế tiếp. CLB Nam Định bị phạt 85 triệu đồng, thi đấu 2 trận sân khách không có CĐV nhà. Vấn đề là mức phạt dành cho CLB Nam Định dường như không đủ tính pháp lý nên không thể có sức răn đe dành cho các hooligan vốn đang khiến dư luận cả nước bức xúc. Trên mạng xã hội, hầu hết ý kiến bày tỏ quan điểm án phạt cho CLB Nam Định là quá nhẹ, thậm chí cần phải cấm cả sân nhà lẫn sân khách đối với CĐV Nam Định để bảo đảm an toàn cho những khán giả khác.
Vụ bắn pháo sáng gây thương tích cho CĐV trên sân Hàng Đẫy làm mất uy tín bóng đá Việt Nam Ảnh: HẢI ANH
Nhiều người bất ngờ khi Ban Kỷ luật treo sân Hàng Đẫy nhưng không treo sân Thiên Trường mà lại đi cấm CĐV Nam Định cổ vũ sân khách 2 trận kế tiếp. Theo tìm hiểu, quyết định kỷ luật dành cho CLB Hà Nội và CLB Nam Định được chiếu theo điều 68 "Vi phạm công tác tổ chức" (Quy định về kỷ luật của VFF, sửa đổi và bổ sung năm 2018). Tại đây quy định, hành vi ném chai lọ, lăng mạ quan chức, trọng tài... bị phạt tiền từ 15-25 triệu đồng; đốt pháo sáng bị phạt tiền từ 20-70 triệu đồng. Đặc biệt với 2 vi phạm trên, Quy định về kỷ luật của VFF có cùng chế tài cao nhất, đó là: "Thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc rời đến sân trung gian" và quy định: "Nếu lỗi do CĐV của đội khách gây ra thì đội khách sẽ bị xử lý kỷ luật như trên".
Chiếu theo quy định, với vi phạm vừa qua của CĐV thì CLB Nam Định sẽ phải bị "treo" sân nhà (sân Thiên Trường), thay vì "treo" sân khách như án phạt của Ban Kỷ luật VFF đưa ra. Rà soát lại 6 chương, 108 điều của Quy định về kỷ luật hiện hành cũng không có chế tài nào phạt CLB Nam Định phải thi đấu sân khách không có CĐV nhà, đối với những vi phạm của một nhóm CĐV quá khích trên sân Hàng Đẫy tối 11-9. Chưa kể, VFF từng thất bại khi "treo" sân khách với CLB Hải Phòng trước đây.
Giữa mùa 2017, sau hành vi đốt pháo sáng của CLB Hải Phòng khi làm khách trên sân Mỹ Đình của CLB Hà Nội, Ban Kỷ luật VFF từng ra một án phạt tương tự gây tranh cãi, đó là cấm CĐV Hải Phòng tới sân khách cổ vũ cho tới hết mùa. Ngoài việc gây băn khoăn về tính pháp lý, quyết định trên còn khiến BTC giải và BTC địa phương lúng túng trong thực hiện. Để làm theo án kỷ luật của VFF, Công ty VPF khi đó phải ra văn bản chưa từng có là "yêu cầu BTC sân không cho người mặc áo CĐV Hải Phòng vào sân". Còn BTC sân sau đó bó tay với chiêu "lách luật" của CĐV Hải Phòng.
Cụ thể, hàng trăm CĐV đội này mặc sẵn áo CLB ở bên trong, bên ngoài mặc áo khoác để mua vé hợp lệ rồi khi vào sân cởi bỏ, chỉ mặc áo đỏ truyền thống của Hải Phòng. Tình huống dở khóc dở cười diễn ra sau đó, khi CĐV Hải Phòng vào sân Cần Thơ trót lọt, ngồi tụm một góc khán đài với đầy đủ áo, cờ và liên tục hò hét. Trận đấu bị hoãn 30 phút do BTC sân lúng túng, không biết xử trí ra sao, sau đó buộc phải chấp nhận sự có mặt của các CĐV Hải Phòng trên sân để trận đấu diễn ra.
11 ngày sau sự cố trên, Ban Kỷ luật VFF mới ra án phạt nhưng cũng chỉ ở mức "cảnh cáo" BTC sân Cần Thơ. Có lẽ, bản thân Ban Kỷ luật cũng hiểu được cái khó của các BTC sân địa phương khi phải thực hiện một quyết định thiếu tính khả thi từ chính mình.
Bây giờ, mọi chuyện lại tiếp diễn, khiến dư luận một lần nữa lo ngại về việc các phần tử quá khích trong Hội CĐV Nam Định sẽ lại tìm cách lách luật để vào sân và coi chừng pháo sáng vẫn cứ nổ trên sân!
Bình luận (0)