Trong ba cự ly đăng ký tham dự giải lần này, đây là nội dung mà Ánh Viên đã đạt chuẩn A tham dự Olympic Rio 2016. Với tâm lý hết sức thoải mái, kình ngư 19 tuổi này đã thi đấu đầy tự tin dù chung đợt bơi của cô còn có cả nhà vô địch Thế vận hội 2012, kỷ lục gia thế giới Ye Shiwen. VĐV người Trung Quốc này từng thắng Ánh Viên tại Á vận hội Incheon 2014 nên chỉ cần bám sát thành tích của Ye là Ánh Viên hoàn toàn có cơ hội tiến sâu tại giải lần này.
Tung sức ngay từ những mét nước đầu tiên, Ánh Viên không hề kém cạnh những tay bơi hàng đầu như Maya Di Rado (Mỹ) hay Hannah Miley (Anh). Bám sát các VĐV này, Ánh Viên cán đích ở vị trí thứ 5 của đợt bơi thứ ba với 4 phút 39 giây 65, qua mặt cả nhà vô địch Thế vận hội và Á vận hội Ye Shiwen với 4 giây nhanh hơn. Không những thế, thông số này còn giúp Ánh Viên xô đổ kỷ lục SEA Games do chính cô thiết lập hồi tháng 6 vừa qua (4 phút 42 giây 38).
Do nội dung thi này chỉ có vài đợt bơi với khoảng 40 VĐV tham dự nên 8 tay bơi tốt nhất đoạt thẳng vé vào đợt thi chung kết mà không cần đua tài ở bán kết. Trên bảng tổng sắp, Ánh Viên xếp hạng 10/35 nên đành ngậm ngùi dừng chân một cách đáng tiếc. Cô chỉ kém người về thứ 8 Lara Grangeon (Pháp), tay bơi giành suất cuối cùng tham dự đợt thi chung kết, đúng 60% giây!
Dẫu chưa đạt được mục tiêu vào chung kết ít nhất một nội dung thi đấu nhưng cả hai thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam tại giải VĐTG lần này đều thuộc về Ánh Viên. Trước đó, cô xếp hạng 15/16 nội dung thi 200 m hỗn hợp khi vào đến bán kết cự ly này.
Cũng dự thi nội dung 400 m hỗn hợp, Trần Duy Khôi chỉ về đích ở vị trí 35/41 của nam với thành tích khá thấp 4 phút 27 giây 43.
Sau khi giải vô địch thế giới kết thúc, Ánh Viên sẽ cùng với VĐV Việt kiều Le Nguyen Paul lưu lại Nga để dự thi Cúp thế giới tại Moscow trong hai ngày 11 và 12-8 trước khi bay sang Paris (Pháp) tiếp tục dự thi một vòng đấu khác của Cúp thế giới trong hai ngày 14 và 15-8. Sau đó, Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn sẽ trở về Mỹ, tiếp tục chương trình tập luyện dài hạn tại đây.
Bình luận (0)