Chiều 20-2, Tập đoàn An Viên (AVG) đã tổ chức buổi họp báo để “phản hồi” những phát biểu của Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên xung quanh chuyện bản quyền truyền hình mà AVG đã ký với VFF. Dù được mời nhưng không có đại diện nào của VPF đến dự buổi họp báo này.
Sẽ nhường bản quyền cho VPF nếu…
Giải thích về những khúc mắc, nghi ngờ của dư luận trong chuyện bản quyền và thương quyền, Chủ tịch Phạm Nhật Vũ khẳng định AVG nắm giữ thương quyền nhưng không độc quyền: “Tất cả các cơ quan báo chí có quyền tự do đưa tin, ghi hình để phản ánh diễn biến của các trận đấu. Các bạn chỉ không có quyền khai thác thương mại trên sản phẩm mà chúng tôi đã mua vì đây là vấn đề thuộc về mặt luật pháp”.
Chủ tịch Phạm Nhật Vũ bảo vệ quan điểm AVG mua bản quyền truyền hình thể thao
vì sự phát triển của thể thao Việt Nam. Ảnh: HẢI ANH
Tái khẳng định mục tiêu của AVG là vì tương lai thể thao Việt Nam, ông Vũ cho biết AVG chấp nhận lỗ nặng ở thời điểm hiện tại: “Chi phí sản xuất cho mỗi trận đấu là 15 triệu - 200 triệu đồng nhưng hiện nay, các đài chỉ cần bỏ ra 30 triệu đồng là chúng tôi đã bán lại bản quyền với sóng sạch. Còn nếu họ tiếp sóng có kèm quảng cáo của chúng tôi thì được cho không. AVG đã tạo điều kiện hết sức, nếu một đài nào đó không tiếp sóng hoặc không mua lại bản quyền để phục vụ người hâm mộ thì đó là chuyện của đài đó, không phải lỗi của AVG”.
Về việc VPF cho rằng giá bản quyền truyền hình phải là 70 tỉ đồng cho 3 mùa bóng, ông Vũ khẳng định: “Cá nhân tôi rất thích ý tưởng đó. Thật lòng tôi phải cảm ơn anh Kiên vì đã đưa ra thông tin này. Tôi khẳng định nếu đó là con số xác thực, AVG sẵn sàng rút lui không nhận một xu để nhường lại bản quyền truyền hình cho VPF. Vì nếu VPF bán được giá đó thì đúng là thể thao Việt Nam đang được lợi, bản thân AVG cũng muốn điều đó”.
Trích 100% lợi nhuận cho thể thao Việt Nam?
Trong buổi họp báo, ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần đưa ra biểu đồ trích 100% lợi nhuận thu được từ bản quyền truyền hình thể thao để tài trợ các hoạt động thể thao. Trong biểu đồ này, các liên đoàn thể thao được hứa trích 30% lợi nhuận thay vì 20%, số còn lại thuộc về quỹ tài trợ VĐV, thể thao quần chúng...
Theo ông Vũ, từ khi hợp tác với các liên đoàn thể thao, AVG đã giải ngân 1 triệu USD để tài trợ cho các VĐV và treo thưởng cho các giải đấu: “Ngay cả khi bản quyền truyền hình chưa tạo ra lợi nhuận, chúng tôi vẫn thực hiện như cam kết bằng cách bỏ tiền mặt ra tài trợ cho các chương trình, quỹ tài năng thể thao. Chỉ cần có lợi nhuận, AVG sẽ không giữ lại một xu”.
Giải đáp thắc mắc của nhiều phóng viên liên quan đến việc AVG kinh doanh chỉ vì những mục tiêu xã hội chứ không phải vì doanh nghiệp mình, ông Vũ cho biết: “Mục đích của kinh doanh là lợi nhuận nhưng quan trọng là sử dụng lợi nhuận vào mục đích gì. Ở đây, chúng tôi đã cam kết rõ những gì đã nói bằng các văn bản ràng buộc với ngành thể thao”.
Ông Vũ sẽ gặp bầu Kiên
Trong buổi họp, ông Vũ khẳng định đã mời nhưng bầu Kiên không đến: “Tôi không rõ vì sao anh Kiên đã nhận lời nhưng lại không tới. Tôi chỉ nhận được một cuộc điện thoại của anh Phạm Ngọc Viễn (Tổng Giám đốc VPF) cho biết lãnh đạo VPF bận nên không thể thu xếp tới gặp chúng tôi được. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với đại diện Tổng cục TDTT và VFF vào hôm nay, 21-2, tôi sẽ gặp và nói chuyện rõ ràng với anh Kiên”. |
Bình luận (0)