Tuy nhiên, xét về mức độ cuồng nhiệt cũng như sự bài bản, yếu tố cổ vũ chuyên nghiệp, ngay cả CĐV trung thành nhất cũng thừa nhận Việt Nam chưa thể bằng một số quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, thậm chí là Myanmar, mỗi khi đội nhà thi đấu, bên cạnh lượng CĐV khổng lồ sát cánh cùng đội tuyển, đặc trưng dễ nhận ra nhất chính là tinh thần cổ vũ cuồng nhiệt, bền bỉ trước, trong và sau các trận đấu.
Ngay cả khi đội nhà thua trận, hiếm thấy cảnh CĐV trung thành quay lưng với các tuyển thủ, thậm chí người hâm mộ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia còn nán lại sân rất lâu để cùng hát vang những bài hát truyền thống của đội nhà nhằm khích lệ tinh thần của đội bóng. Như sau trận thua 1-2 trước đội tuyển Việt Nam ở trận mở màn bảng B giải AFF Cup 2016 tại Yangon, hơn 20.000 CĐV Myanmar đã cùng nhau nán lại sân Thuwunna để cổ vũ, hát vang những bài hát truyền thống. Toàn bộ thành viên đội tuyển Myanmar và ban huấn luyện đã dắt tay nhau đi 1 vòng quanh sân, hòa nhịp cùng không khí động viên lớn lao mà người hâm mộ dành cho họ. Ở 2 trận đấu sau đó, Myanmar đã vượt khó, đánh bại cả Malaysia lẫn Campuchia để giành ngôi nhì bảng, theo đội tuyển Việt Nam vào bán kết.
Hoàng Yến, thành viên chủ lực của Hội CĐV Golden Star, cùng fan Việt ủng hộ thầy trò HLV Park Hang-seo ở trận thắng chủ nhà Lào 3-0 tối 8-11 Ảnh: ĐỨC ANH
Nói về những đội tuyển có truyền thống cổ vũ lâu đời hơn như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam đều có chung nhận xét, thi đấu trên sân các đối thủ này cứ như đi vào "hỏa ngục". Những tiếng cổ vũ đồng thanh, các bài hát với nhịp điệu dồn dập, tiếng trống trận bài bản của các hội CĐV Malaysia, Thái Lan hay Indonesia đã tạo nên bầu không khí vô cùng cuồng nhiệt, khiến các sân trở thành một chảo lửa đúng nghĩa. Điều này ảnh hưởng không ít đến tâm lý thi đấu của cầu thủ khách, đồng thời trở thành chỗ dựa tinh thần lớn lao cho các cầu thủ chủ nhà.
"Chúng ta vẫn thiếu những bài hát cổ vũ đích thực dành cho CĐV, chứ không phải dành cho ca sĩ hay tác giả. Người hâm mộ Việt Nam đến giờ cần những bài hát dễ nhớ, ngắn gọn, giai điệu vui tươi và phù hợp cho từng giai đoạn, tình hình cụ thể trên sân bóng. Quan trọng nhất, CĐV không phải ai cũng hát hay, nên các bài hát cổ vũ khi sáng tác, cần đơn giản để tất cả mọi người dễ tiếp thu nhất. Chỉ cần khoảng 2-3 câu, thêm 2-3 nhịp "Ô la", "Ô lê" gì đấy là đủ" - chị Hoàng Yến, thành viên chủ lực của Hội CĐV Golden Star, chia sẻ. Nhiều năm song hành cùng các đội tuyển bóng đá Việt Nam, từ lúc ở Hội CĐV VFS cho đến lúc chuyển sang Golden Star, chị Hoàng Yến có mối quan hệ thân thiết với nhiều hội CĐV nổi tiếng ở Malaysia, Thái Lan hay Indonesia. Chị Yến bày tỏ mong mỏi: "Bài hát mà chỉ cần hội CĐV thuộc sau khi hát khoảng 10 lần thì sẽ tạo ra một âm thanh đồng nhịp. Khoảng 50.000 khán giả cùng thuộc và cùng hát thì sẽ tạo ra một âm lượng hùng hồn, khích lệ tinh thần anh em cầu thủ. Nội dung bài hát cần thể hiện đúng trọng tâm về đất nước, con người, bản sắc. Tôi quan sát thấy Thái Lan, Malaysia hay Indonesia thường sử dụng một loạt bài hát na ná nhau, được soạn lại từ các bài hát của các CLB nổi tiếng thế giới như Borussia Dortmund, Real Madrid... Sau này, các hội CĐV phát triển, những người biết chơi nhạc, khi tham gia cổ vũ họ sẽ tự sáng tác thêm những giai điệu cổ vũ mới".
Nghệ sĩ phải đặt mình vào vị trí CĐV
Theo anh Vũ Hoàng, thành viên Hội CĐV bóng đá HAGL, tác giả muốn sáng tác nhạc cho CĐV thì phải biết hội CĐV cổ vũ như thế nào trên các khán đài. "Hy vọng các tác giả, ca sĩ, nhạc sĩ khi tham gia sáng tác, trình diễn hãy đến sân cùng người hâm mộ cổ vũ, từ đó tìm cảm hứng sáng tác nên những ca khúc ngắn gọn, dễ hiểu. Chỉ có trở thành CĐV bóng đá thì mới sáng tác được những tác phẩm hay, dễ đi vào lòng người" - anh Vũ Hoàng chia sẻ.
Bình luận (0)