Không ai có thể phủ nhận Việt Nam là quốc gia có tình yêu bóng đá cuồng nhiệt, nồng cháy không kém bất kỳ xứ sở nào trên thế giới. Cảnh người hâm mộ phủ đỏ các tuyến đường lớn ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác trong cả nước, hàng dài người đội nắng chào đón các tuyển thủ trở về từ trận chung kết U23 châu Á 2018 như một sự kế thừa đầy tự tin tình yêu không gì lay chuyển nổi dành cho môn thể thao "vua" mà điểm khởi đầu có lẽ phải quay về thời điểm Trần Minh Chiến ghi bàn quyết định vào lưới Myanmar, đưa tuyển Việt Nam vào chung kết SEA Games 18, năm1995 tại Chiang Mai, Thái Lan.
Cầu thủ bóng đá chuyên tâm khổ luyện, bảo đảm sự thành thục về chuyên môn, phát triển về thể chất đồng thời rèn luyện ý chí, bản lĩnh để vượt mọi đối thủ, mọi trận đấu. Thế nhưng, thành tích bóng đá sẽ không thể đến nếu đội bóng không có các cổ động viên (CĐV), những người tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cầu thủ, truyền cảm hứng cho cộng đồng bằng lời ca, tiếng hát, những lời hò reo.
Sự cổ vũ của CĐV Việt Nam ở các giải bóng đá quốc tế lẫn trong nước còn khá đơn điệu, chưa bài bản và còn thiếu ca khúc truyền thống Ảnh: ĐỨC ANH
Ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Bách, người luôn tự nhận là một "CĐV bóng đá Việt Nam thực thụ", tâm tư: "Bóng đá Việt những năm gần đây luôn có được một lượng CĐV lớn đồng hành cùng các đội tuyển trẻ U19, U23 hay tuyển quốc gia chinh chiến tại các giải quốc tế. Đó là một tài sản vô cùng lớn của bóng đá. Sát cánh cùng với các fan chân chính này, tôi nhận ra rằng sự cổ vũ của CĐV Việt Nam quá đơn điệu, thường tất cả chỉ đồng thanh hô vang "Việt Nam, Việt Nam", hoặc cùng hát bài "Như có Bác trong ngày đại thắng…". Đấy quả thực là một sự lãng phí không hề nhẹ! Hôm sang Indonesia xem trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Hàn Quốc ở Á vận hội (ASIAD) 2018, tôi thấy chỉ non 1.000 CĐV Hàn Quốc đã "ăn đứt" khoảng 7.000 khán giả Việt Nam về cung cách cổ vũ khi những tiếng hô, tiếng hát và cả làn sóng người trên khán đài cực kỳ bài bản".
Không riêng Hoàng Bách, nhiều người Việt Nam khi theo chân các đội bóng đá thi đấu quốc tế cũng cảm thấy tủi thân khi không được hòa đồng theo kiểu "cháy hết mình" trên khán đài khi từng nhóm CĐV hát tùy hứng những bài cổ động mà họ thuộc hoặc đồng thanh hát các ca khúc truyền thống dễ nhớ, dễ hát nhưng chắc chắn không phù hợp với bầu không khí sôi động của sân cỏ, thiếu "chất" cổ vũ, không có sự liên kết cần thiết đối với cầu thủ dưới sân.
Chẳng phải một nhà nghiên cứu âm nhạc, cũng không là một chuyên gia của giới truyền thông, CĐV Trần Hà Đông chỉ nghiền ngẫm, ghi chép rất nhiều qua các chuyến xuất ngoại theo chân các đội bóng đá. Theo anh, cổ vũ bóng đá là chỉ dấu của một nền bóng đá chuyên nghiệp mà từ lâu, khán giả đã được định danh là "cầu thủ thứ 12 trên sân cỏ". Làm sao ai đó không thể rạo rực khi nghe ca khúc "Mùa hè nước Ý" do Gianni Nannini và Edoardo Bennato trình bày ở kỳ World Cup 1990, hay trước đó 8 năm, tác phẩm "Rasputin" của nhóm BoneyM đã đi vào lịch sử dù chưa bao giờ được xem là ca khúc chính thức của Espana’82? Những kỳ giải lớn thì như thế, còn ở cấp độ CLB, những người đam mê bóng đá không ai không biết nhạc phẩm "You’ll never walk alone" nghiễm nhiên trở thành ca khúc chính thức của Liverpool, hay một phần giai điệu của "The Battle Hymn of the Republic" (một bài hát nổi tiếng trong cuộc nội chiến ở Mỹ thế kỷ XIX) trở thành "Glory Glory Man United", bài hát mà bất cứ CĐV của "Quỷ đỏ" nào cũng đều thuộc lời, hát thuộc lòng.
Tìm kiếm một bài hát, giai điệu phù hợp với không khí cổ động bóng đá trên khán đài, bảo đảm tiêu chí "nhanh, mạnh, cô đọng, dễ hiểu, khơi gợi lòng tự hào của khán giả, niềm kiêu hãnh của cầu thủ với màu cờ sắc áo quốc gia" hẳn là điều mà bất cứ CĐV, người hâm mộ Việt Nam nào cũng khát khao tìm kiếm, đặc biệt trong bối cảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam cần được tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin sau khởi đầu suôn sẻ tại AFF Cup 2018.
Bình luận (0)