Môi trường bóng đá cạnh tranh quyết liệt, nhất là ảnh hưởng từ tài chính của các ông chủ, đã khiến nhiều CLB không kiểm soát nổi hành vi bạo lực trên sân.
Những ngày qua, xung quanh sự việc Đỗ Hùng Dũng bị gãy chân do Ngô Hoàng Thịnh cản phá thô bạo, không chỉ riêng cầu thủ này, mũi dùi dư luận chỉ trích nạn bạo lực sân cỏ còn nhắm vào CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) - đội bóng từng có nhiều cầu thủ nổi tiếng chơi rắn.
Đá xấu ư? Sẵn sàng!
Lật lại hàng loạt vụ bạo lực sân cỏ nổi cộm từ năm 2011 đến nay, thật cay đắng khi hơn phân nửa bắt nguồn từ những cầu thủ trưởng thành từ lò SLNA như Huy Hoàng, Đình Đồng, Quế Ngọc Hải và mới nhất là Ngô Hoàng Thịnh.
Tại Việt Nam, nhiều cầu thủ của lò SLNA được biết đến với kỹ năng chơi bóng rất kỹ thuật nhưng lối đá rắn, "chém đinh chặt sắt" thì không có đối thủ. Năm 2015, tiền vệ tài năng Anh Khoa của SHB Đà Nẵng phải giải nghệ ở tuổi 24 do bị đứt dây chằng gối, vỡ sụn chêm sau pha "song phi" của Quế Ngọc Hải. Ngày 26-2-2014, trong trận đấu SLNA - An Giang trên sân Vinh, tiền vệ Nguyễn Anh Hùng (An Giang) bị hậu vệ Trần Đình Đồng (SLNA) vào bóng làm gãy 2/3 xương ống chân. Mới nhất là Ngô Hoàng Thịnh, với cú ra chân khiến tiền vệ con thoi của HLV Park Hang-seo nghỉ chơi bóng ít nhất 6 tháng, đồng nghĩa tuyển Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Nhiều người chỉ trích rằng bóng đá xứ Nghệ đã "cho ra lò" không ít cầu thủ quá quyết liệt, thô bạo, để rồi làm các đồng nghiệp ở CLB khác chấn thương nặng, thậm chí giải nghệ. Trước luồng dư luận này, một cựu HLV người Nghệ An chia sẻ: "Đây là một truyền thống của bóng đá SLNA. Vì tại đó, họ đặt quyền lợi của CLB lên trên hết và để cống hiến cho người hâm mộ một cách trung thực nhất thì đã ra sân là thi đấu hết mình. Mà để thi đấu hết mình thì có 2 trường hợp, một là mình bị chấn thương, hai là ngăn đối thủ ghi bàn bằng mọi giá. Hoàng Thịnh trên sân bóng cũng như sân tập, cậu ấy là típ người đặt hiệu quả lên hàng đầu, miễn là đội nhà chiến thắng".
Vị này còn nói rằng đâu chỉ có các cầu thủ SLNA thi đấu máu lửa dẫn đến rủi ro cho đồng nghiệp. Sân cỏ bóng đá Việt không thiếu những trường hợp như thế. "Thời thi đấu ở SLNA, trong một trận gặp Hải Phòng, cựu tuyển thủ quốc gia Văn Sỹ Hùng vừa mới vào sân được vài phút thì bị gãy chân do cầu thủ đội bạn tắc bóng nguy hiểm và phải nghỉ thi đấu một thời gian dài. Cầu thủ SLNA khi thi đấu đã được đào tạo về tinh thần máu lửa. Trên thế giới cũng có những trường hợp như thế và dẫn tới chấn thương nặng. Không phải nói như vậy để trốn tránh trách nhiệm với Hùng Dũng nhưng thực tế chấn thương cũng từ hai phía" - HLV này chia sẻ.
Lê Quốc Vượng, cựu tiền vệ của SLNA, từng chia sẻ rằng cầu thủ xứ Nghệ khi ra sân luôn mang theo một tinh thần máu lửa. Anh nói: "Thời của chúng tôi, SLNA có một đặc điểm, hễ đồng đội bị đối phương đá xấu thì toàn đội bóng sẽ bảo vệ cậu ta bằng cách đá rắn với chính cầu thủ kia. Cứ như vậy mà các đội bóng khi gặp chúng tôi đều rất ngán".
Cựu tiền vệ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng (thứ hai từ phải sang) phải giải nghệ do bị gãy chân sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải năm 2015Ảnh: Phi Hải
Lời cảnh tỉnh
Những năm gần đây, VFF, VPF áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn trong việc xử lý những cầu thủ có hành vi xâm phạm thân thể, chơi bóng bạo lực. Ngoài ra, nói như Lê Quốc Vượng, sau này, tư duy thay đổi, các CLB chú trọng hơn đến đào tạo văn hóa ứng xử, đạo đức cho cầu thủ, bản thân các cầu thủ trẻ cũng được đào tạo bài bản nên hạn chế đá rắn hơn rất nhiều.
Tuy vậy, môi trường bóng đá cạnh tranh quyết liệt, nhất là khi ảnh hưởng từ tài chính của các ông chủ, đã khiến nhiều CLB không kiểm soát nổi hành vi bạo lực trên sân. Đó là lý do mà ở các giải bóng đá chuyên nghiệp (V-League), giải Hạng nhất, Hạng nhì, thậm chí sân chơi "phủi", bóng dáng của bạo lực vẫn thường xuyên xuất hiện bởi lối đá máu lửa của các cầu thủ.
Sau sự việc Đỗ Hùng Dũng, HLV Nguyễn Đức Thịnh - người từng làm trợ lý ở Sài Gòn FC, kêu gọi các CLB phải thay đổi tư duy làm bóng đá, đề cao đạo đức cầu thủ nhằm hạn chế thấp nhất bạo lực sân cỏ. Chỉ có như vậy, môi trường bóng đá Việt mới sạch, mới được nâng tầm hơn, phát triển theo hướng chuyên nghiệp. "Nhìn Hùng Dũng lăn lộn trên sân, tôi nhớ lại rất nhiều tiền đạo mà tôi đã được thi đấu cùng thời, bất giác nghĩ nếu ngày đó, chỉ cần mình ác ý thì không biết sự nghiệp của họ sẽ như thế nào. Tôi chỉ mong các cầu thủ còn đang thi đấu hãy nghĩ đến đồng nghiệp của mình. Một pha bóng không làm khán giả vỗ tay hay được vào đội tuyển quốc gia đâu mà nó có thể sẽ làm đồng nghiệp mình mất đi sự nghiệp" - HLV Nguyễn Đức Thịnh bày tỏ.
Nhắc lại cú tắc bóng của Hoàng Thịnh là lời cảnh tỉnh, HLV Nguyễn Đức Thịnh nêu quan điểm rất đáng để những người làm bóng đá, cầu thủ suy nghĩ: "Lâu lắm rồi, tôi mới xem bóng đá vì trận đấu có rất nhiều cầu thủ đã từng là học trò khi mình làm trợ lý HLV cho CLB Hà Nội và sau này là Sài Gòn FC. Phải nói thật, tôi cũng từng là cầu thủ chơi hậu vệ, từng được xem là đá rắn nhưng chưa bao giờ vào bóng như thế này. Vì nếu vào bóng như vậy, chắc chắn đối phương sẽ gãy chân. Bất luận thế nào, đó là hành động vào bóng ác ý. Tôi không lên án ai cả vì bóng đá rất khó kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và hành động, song nếu bạn được giáo dục, nuôi dưỡng bên cạnh những người thầy tốt, có tâm, chắc chắn bạn sẽ không làm như vậy".
Nương tay là tiếp tay cho bạo lực
Theo chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, công tác trọng tài chưa ổn hoàn toàn có thể dẫn đến những hành động bạo lực sân cỏ. Ngay cả trong trường hợp Đỗ Hùng Dũng, trọng tài dường như định phạt thẻ vàng Ngô Hoàng Thịnh, đến khi phát hiện cầu thủ của Hà Nội FC gãy chân mới đổi bằng thẻ đỏ. "Bóng đá chuyên nghiệp không thể để phủ những bóng ma bạo lực sân cỏ, trong đó tiếng nói của trọng tài rất quan trọng" - ông Vũ Mạnh Hải phân tích.
Bình luận (0)