Việc các thành viên lực lượng mô tô thể thao của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM bị tài xế xe tải cầm dao dọa chém khi ngăn chặn chiếc xe tải biển số 47C-14280 xuyên qua xe công an mở đường, ép cả mô tô thể thao tiền phương gây nguy hiểm cho đoàn đua tại Giải Xe đạp Truyền hình Bình Dương 2017 tại địa phận Đắk Mil (Đắk Nông) vào sáng 10-12 gây nhiều lo ngại.
Tuy vậy, với những thành viên thường xuyên dẫn đoàn đua, đây là chuyện khá bình thường. Với lực lượng mô tô tiền phương, phải chạy xa phía trước để yêu cầu những phương tiện đang lưu thông trên đường tạm dừng lại, tạo ra sự thông thoáng đường đua, bảo đảm an toàn tính mạng cho các VĐV, hầu hết người dân đang tham gia giao thông đều nghiêm chỉnh chấp hành một cách vui vẻ, có ý thức. Dù vậy, vẫn còn nhiều người không tuân thủ với nhiều kiểu: chạy bám theo đoàn đua hoặc ngược chiều, cắt mặt và thậm chí tìm cách trộn lẫn vào các VĐV đang thi đấu.
Tại Cúp VTV vào tháng 8-2017, khi đoàn đua ngang qua Ninh Bình, một VĐV nghiệp dư đã đeo bám khá quyết liệt. Khi các trọng tài và lực lượng bảo vệ rồi đến cánh báo chí đề nghị "tay đua" này dừng lại thì bị phản ứng ngược rằng: "Các ông chả biết gì về đua xe, phải cho tôi đeo bám để học tập!". Hay tại Giải Vô địch quốc gia 2011 ở Bà Rịa - Vũng Tàu, một tay đua của Quân đội phải nhập viện cấp cứu vì một người dân bất ngờ chạy xe băng ngang qua đường cắt mặt anh.
Lực lượng mô tô mở đường thuyết phục những tài xế phá bĩnh đoàn đua tại Cúp Truyền hình Bình Dương 2017
Một sự kiện cũng làm nóng đường đua tại Cúp Truyền hình TP HCM 2015, khi đoàn đua đi ngang qua địa phận gần chợ Gồm (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), ô tô biển số 77H 6047 của 1 công ty in địa phương dù được nhắc nhở vẫn không chấp hành tạm ngưng lưu thông và xảy ra xô xát với các thành viên của lực lượng mô tô thể thao mở đường, khiến 1 kính chiếu hậu bị vỡ. Thay vì chạy xe vào lề và chờ lực lượng CSGT đến giải quyết, lái xe quyết định chạy xe ra giữa đường "ăn vạ" bất chấp lời giải thích của lực lượng bảo vệ đường đua rằng việc này gây nguy hiểm đến tính mạng VĐV, cho đến khi lực lượng CSGT bắt buộc tài xế này chấp hành thì đường mới thông.
Với lực lượng bọc hậu, ngoài việc làm hiệu cuối đoàn, mỗi khi đi ngang qua địa phận Định Quán - Đồng Nai hay Phan Rang, việc đối phó với các nhóm "quái xế" muốn từ sau "thông" đường luôn căng thẳng.
Một đại diện Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) sau khi dự khán Cúp Truyền hình TP HCM đã thốt lên: "Nếu không có lực lượng mô tô thể thao mở đường với hiện trạng giao thông tại Việt Nam, rất khó có thể tổ chức thành công một giải đua xe đạp đường trường!". Tuy vậy, do lực lượng mỏng lại bức xúc khi bị phản ứng, một số thành viên của lực lượng bảo vệ đường đua cũng tỏ ra nóng nảy và dễ dẫn đến việc "lạm quyền" như gõ kính xe. Điều này cũng được Phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam Ngô Quang Vinh thừa nhận: "Chúng tôi cũng thường xuyên huấn luyện về mặt chuyên môn và đạo đức cho các anh em mô-tô khi tham gia phối hợp bảo vệ đường đua. Tuy vậy, đôi khi ở hiện trường, áp lực buộc phải thông đường nhằm bảo vệ tính mạng cho các thành viên đoàn đua, cộng với thái độ "không hay lắm" của những người thiếu ý thức khiến các VĐV mô tô dễ ức chế, có những hành vi không chuẩn. Việc này đang được chúng tôi rút kinh nghiệm để hình ảnh các VĐV mô tô thể thao ngày càng đẹp hơn với công chúng".
Bình luận (0)