Phút 80 của trận chung kết lượt đi giữa tuyển Malaysia và Việt Nam, khi tỉ số đang là 2-2, ban tổ chức sân Bukit Jalil đã phát loa thông báo có 86.000 khán giả đến cổ vũ cho trận đấu. Sân Bukit Jalil khi đó cũng đã thiết lập 2 kỷ lục mới là kỷ lục về khán giả và kỷ lục về âm thanh cổ vũ của AFF Cup 2018.
Là 1 trong 10 sân bóng có sức chứa lớn nhất thế giới (87.411 ghế ngồi), việc sân Bukit Jalil khi phủ đầy khán giả thì lập kỷ lục là tất yếu. Tuy nhiên, về độ cuồng nhiệt trên sân, vốn thường được đo lường bằng phong cách cổ vũ và âm thanh cổ vũ, có lẽ người hâm mộ Malaysia đủ tự hào rằng họ cuồng nhiệt trong tốp đầu thế giới.
Như chỉ riêng trận đấu gặp đội tuyển Lào hôm 13-11 tại vòng bảng, chỉ với 12.000 khán giả hò reo ăn mừng bàn thắng, sân Bukit Jalil đã đạt đến lượng âm thanh 117 decibel, xếp thứ 2 sau sân Mỹ Đình ở thời điểm Quang Hải mở tỉ số vào lưới Philippines tại bán kết (121 decibel).
Người hâm mộ Việt Nam rất tự hào về tình yêu bóng đá vô bờ bến, đặc biệt mỗi khi chơi trên sân Mỹ Đình, đội tuyển quốc gia luôn nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt nhất. Tuy nhiên, hầu hết người hâm mộ Việt Nam có mặt ở sân Bukit Jalil cùng nhận định rằng CĐV Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều.
CĐV Việt Nam rất máu lửa nhưng chưa có cách cổ vũ bài bản để biến sân nhà thành “chảo lửa” Ảnh: Đức Anh
Lúc Malaysia thua 0-2, sân Bukit Jalil lặng đi khoảng 1 phút để xem tuyển Việt Nam và CĐV chúng ta ăn mừng. Sau 1 phút đó, toàn bộ sân trở lại thành chảo lửa và khi Malaysia gỡ hòa 2-2, hai lỗ tai tôi như muốn rách ra vì âm thanh của 80.000 khán giả như tiếng một dàn máy bay cất cánh tập thể. CĐV Malaysia họ tiếp sức đội nhà cỡ đó, hỏi sao cầu thủ chủ nhà càng chơi càng như lên đồng.
Không phải CĐV Việt Nam không thích cổ vũ, thậm chí còn nhiệt tình không kém gì các nước trong khu vực cũng như thế giới. Như ở trận đấu chung kết lượt đi, các CĐV Việt Nam đến sân sớm hơn 3-4 giờ. Điều đó cho thấy ý thức xem bóng đá của CĐV Việt Nam khi ra nước ngoài rất cao. Tuy nhiên, cũng như khi cổ vũ ở Mỹ Đình hay các sân cỏ trong nước, người hâm mộ luôn có thói quen reo hò, cổ động từ ngoài sân, vào trong sân vẫn tiếp khuấy động tưng bừng khi trận đấu chưa bắt đầu.
Trong khi đó, các CĐV Malaysia thường nghỉ ngơi, chụp ảnh và lướt internet. Đúng 30 phút trước giờ bóng lăn, hội Ultras của Malaysia cất tiếng trống đầu tiên, kéo dài đúng 10 phút để cùng số CĐV khắp các khán đài còn lại thị uy. Sau màn cổ vũ đầy ấn tượng đó, họ lại nghỉ ngơi 20 phút nhưng từ khi quốc ca cất lên, sân Bukit Jalil lại cực kỳ sôi động với những tiếng vang liên tục trong 90 phút.
Còn người hâm mộ Việt Nam do đã hát liên tục nhiều giờ trước nên không còn duy trì được sức khỏe để cổ vũ xuyên suốt. Ngoại trừ bàn thắng và một vài khoảnh khắc tấn công, các CĐV Việt Nam không thể duy trì sự liền lạc. Một điều đáng nói là ngoài việc cổ vũ, một bộ phận CĐV không tiếc lời chỉ trích Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh và cả Văn Đức ở hiệp 2. "Có 7/11 tuyển thủ Việt Nam ra sân dưới 23 tuổi, mà hòa 2-2 ở hiểm địa Bukit Jalil, nhiều thế hệ đàn anh còn phải nể phục, vậy mà cũng phê bình, thậm chí chửi các em nữa thì không thể hiểu nổi... Lẽ ra, họ để dành sức mà đến Mỹ Đình, không vào sân thì đứng ngoài động viên các em lúc đến đá lượt về, đó mới gọi là tiếp lửa" - anh Thanh Tùng, một CĐV ở TP HCM có mặt ở sân Bukit Jalil, chia sẻ.
Năm 2014, chứng kiến hội Ultras Malaysia cổ vũ cuồng nhiệt nhưng vô cùng chuyên nghiệp, Hội CĐV bóng đá Việt Nam (VFS) đã quyết định học hỏi và tổ chức thành nhóm cổ vũ bài bản và chuyên nghiệp nhất Việt Nam. Sau đó có thêm một nhóm người hâm mộ Việt Nam với tên gọi Golden Star, tiếp tục có mặt đồng hành cùng tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình và tạo ấn tượng.
Tuy nhiên, để có được số lượng CĐV chuyên nghiệp và đông đảo hơn nữa vẫn là điều rất khó thực hiện khi một bộ phận chỉ cổ vũ theo trào lưu hoặc đến sân cổ động với mục đích quảng bá hình ảnh doanh nghiệp thay vì hết lòng vì màu cờ sắc áo!
Có vé nhưng không vào được sân
Theo một số CĐV Việt Nam có mặt ở sân Bukit Jalil vào tối 11-12, nhiều người do đến muộn nên đã không thể vào khu vực khán đài của CĐV khách. Thậm chí, ngay cả tân Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Khánh Hải và nguyên Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Lân Trung cũng không được vào vì không có thẻ.
Các CĐV không được vào khu vực khán đài mà BTC sắp xếp cho khán giả đội khách là do đến sân quá muộn. Khi đó, toàn bộ khu vực này đã chật kín khán giả Việt Nam. Chính BTC sân cũng linh động cho một nhóm khoảng 300 CĐV Việt Nam khác ngồi bên cạnh CĐV Malaysia. Tuy nhiên, việc ưu tiên này là nhờ nhóm CĐV này đến sân trước 2 giờ. Còn khi sát trận đấu, BTC không du di, dẫn đến việc có khoảng 100 CĐV không thể vào sân dù vẫn có vé.
Phía VFF cho biết trước trận đấu, VFF đã làm việc với LĐBĐ Malaysia và được hỗ trợ bán 3.600 vé. Toàn bộ số vé đã được chuyển cho các đối tác hàng không Vietnam Airlines, hội CĐV Việt Nam...
Bình luận (0)