Trong thời gian làm Trưởng Bộ môn Bóng bàn, HLV trưởng kiêm HLV đội bóng bàn nam TP HCM, tôi nhận thấy VĐV thành phố ít được thi đấu cọ xát với các tay vợt xuất sắc trong nước và đặc biệt là với các VĐV quốc tế nên khó đánh giá đúng thực chất trình độ. Trong lúc đất nước đang mở cửa mà hệ thống tổ chức thi đấu luôn bị lệ thuộc vào kinh phí của nhà nước, giải thưởng của VĐV quá thấp nên không kích thích được HLV, VĐV.
Học tập cách làm Giải Vô địch Bóng bàn toàn quốc - Báo Nhân Dân, tôi đã xin ý kiến Giám đốc Sở TDTT TP lúc đó là ông Lê Bửu. Được ông ủng hộ, tôi sang gặp ông Mai Xuân Cẩm, Tổng Biên tập Báo Thể thao TP HCM, cũng là người bạn, người anh khi ông còn là Hiệu trưởng Trường VH-TDTT của Trường Huấn luyện Kỹ thuật TDTT trung ương những năm 60 của thế kỷ XX, để bàn bạc. Đó là những bước đi ban đầu để Giải Bóng bàn Các cây vợt xuất sắc TP HCM mở rộng - Cây vợt vàng ra đời.
Lễ khai mạc Giải Bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng 6-1992 Ảnh: TRÍCH TỪ HỒI KÝ
Được hình thành và phát triển theo chủ trương xã hội hóa thể thao, Giải Cây vợt vàng thể hiện sức mạnh tổng hợp của xã hội, nhanh chóng tạo được uy tín với làng bóng bàn khu vực và quốc tế. Báo Thể thao TP HCM, Bộ môn Bóng bàn và Liên đoàn Bóng bàn (LĐBB) TP HCM đã tận dụng được nguồn lực xã hội qua sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều thế hệ các nhà tài trợ, đóng góp thêm sự vận dụng sáng tạo, những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, đời sống của thành phố trẻ, khỏe, năng động mang tên Bác. Sự đột phá của Cây vợt vàng cũng mở ra kỷ nguyên mới đầy sức sống cho thể thao TP HCM trong thời kỳ mở cửa, làm tiền đề tổ chức hàng loạt giải thể thao quốc tế khác tại TP.
Sau năm 2002, Báo Thể thao TP xin thôi không làm chủ giải và LĐBB TP HCM hoàn toàn gánh vác. Dù trải qua khó khăn lớn về việc tìm nguồn tài trợ, giải vẫn được duy trì hằng năm và ngày càng trưởng thành. Đặc biệt từ năm 2009, giải được đổi tên thành Giải Bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng mở rộng và được LĐBB thế giới (ITTF), LĐBB châu Á (ATTU) công nhận là giải nằm trong hệ thống thi đấu của ITTF. Sự kiện này trở thành niềm hãnh diện chung của giới bóng bàn Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Cùng với việc giải lần thứ 24- 2010 lần đầu tiên diễn ra bên ngoài TP HCM (tổ chức tại Vũng Tàu), LĐBB TP HCM cũng đã xin chủ trương của Tổng cục TDTT và LĐBB Việt Nam để thuê các tay vợt nước ngoài thi đấu dưới màu áo Petro Việt Nam, Vietsovpetro, Petrosetco TP HCM… Điều này dẫn tới việc lần đầu tiên, đội nam Petrosetco Việt Nam (có 2 VĐV nước ngoài trong đội hình) 2 lần vô địch đồng đội nam liên tiếp các năm 2010 và 2011; đội nữ Petrosetco TP HCM (thuê 1 VĐV nước ngoài) cũng giành được chức vô địch đồng đội nữ giải đấu năm 2016. Đây thực sự là cuộc thử nghiệm thành công, là bước chạy đà kích thích các tập đoàn kinh tế, ngành, địa phương khác trong quá trình xã hội hóa môn bóng bàn hướng tới chuyên nghiệp, điều mà các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền đã thực hiện thành công trong thời gian qua.
Trong 32 năm qua, nhiều cây vợt xuất sắc của thế giới đã đến với Cây vợt vàng, nam có Liu Guo-zheng, Ma Lin , Li Zhao, Ding Yi, Li Ching, Ko Lai-chak, Zhang Yu, Tang Peng, Leung Chu-yan, Chang Peng-lung, Gao Ning, Yang Zi còn nữ là sự hiện diện của Tie Ya Na, Wong Ching, Jing Jun Hong, Li Jia Wei (HCĐ Olympic 2000, 2004)…
Ban tổ chức giải cũng đã mời các quan chức cao cấp của ITTF như các ông Yap Yong Yih (Phó Chủ tịch ITTF), Tony Yue (Tổng Thư ký danh dự của ATTU - Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Thanh thiếu niên của ITTF) đến dự khán giải cùng với nhiều vị lãnh đạo, chủ tịch, tổng thư ký của các LĐBB quốc gia khu vực Đông Nam Á...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-6
Bình luận (0)