Chưa bao giờ làng bóng chuyền Việt Nam thu hút sự chú ý của người hâm mộ như trong những ngày đầu năm 2021. Đội nữ Truyền hình Vĩnh Long tuyên bố chia tay nhà tài trợ, đánh tiếng việc thanh lý hợp đồng với toàn bộ cầu thủ đồng thời dự định không tham dự giải vô địch quốc gia nữa để bắt đầu lại từ tuyến trẻ.
Điều may mắn là nhờ sở hữu "viên ngọc quý" Nguyễn Thị Bích Tuyền mà đội bóng này được một địa phương phía Bắc hỏi mua lại, chờ hình thành bộ khung cho một ê-kíp nữ mới toanh để sẵn sàng góp mặt ở mùa giải quốc gia 2021 sắp khởi tranh.
Đội bóng chuyền nữ Vĩnh Long trụ lại được dù với một phiên hiệu khác ít nhiều cũng phản ánh được sự quan tâm dành cho bóng chuyền nữ. Từ lâu, các cô gái chơi bóng chuyền luôn thu hút được sự chú ý không chỉ từ người hâm mộ, giới chuyên môn và của cả truyền thông.
Các giải đấu tập huấn dành cho những đội bóng trong nước dần dần được mở rộng cho nhiều CLB nước ngoài tham dự như Cúp VTV - Bình Điền, Cúp Liên Việt Post Bank, Cúp Truyền hình Vĩnh Long… Ngay cả Đài Truyền hình Việt Nam cũng tổ chức hẳn một giải đấu quốc tế đến nay đã gần 20 năm chỉ để tạo thêm cơ hội cọ xát cho đội tuyển nữ trước thềm các giải chính thức như SEA Games hay ASIAD.
Bóng chuyền nam trong khi đó lại khá hiu hắt, các đội bóng chỉ biết tìm kiếm cơ hội thử lửa tại vài giải đấu tập huấn mà tiền thưởng hay thứ hạng mang ý nghĩa tượng trưng là chính, quanh quẩn chỉ vài đội bóng quen mặt trong nước.
Bóng chuyền nam Long An èo uột suốt 10 năm trước khi mơ tìm lại thời hoàng kim. Ảnh: Đông Linh
Không được dư luận quan tâm nhiều khi tranh tài tại giải vô địch quốc gia thường niên, việc tồn tại và phát triển của các CLB cũng chẳng được chú ý đúng mức. Một vài cái tên biến mất trong khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Đông Trường Sơn, Đức Long Gia Lai… gần như chìm nghỉm giữa rừng tin hoạt động TDTT hằng quý, hằng tháng.
Những đội bóng tên tuổi lừng lẫy còn mau chóng bị lãng quên như thế, việc đội bóng chơi ở giải hạng A như Đắk Lắk vừa bị tuyên bố giải thể hoàn toàn không để lại dấu ấn nào trong lòng người hâm mộ. Xây dựng và phát triển hơn chục năm qua với thành tích tốt nhất chỉ là HCĐ mùa giải hạng A 2019, đội bóng chuyền nam Đắk Lắk mới đây chính thức bị giải tán do "nhiều năm không có thành tích, kinh phí duy trì đội bóng eo hẹp, khó có khả năng lên hạng cũng như thi đấu tốt ở giải vô địch quốc gia".
Nhiều ý kiến của người dân địa phương cũng như người hâm mộ cả nước xoay quanh việc xã hội hóa bóng chuyền, tìm kiếm nguồn tài trợ để đội bóng tồn tại và phát triển. Đây là vấn đề không mới, ai cũng hiểu nhưng không dễ tìm được đơn vị đồng hành trong bối cảnh bản thân đội bóng không tạo ra được sức hút do thiếu VĐV giỏi, hoạt động thi đấu lại èo uột. Cứ nhìn qua đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk là cả một trời cách biệt so với các đồng nghiệp nam.
Câu chuyện của đội nam Đắk Lắk không chắc đã thăng trầm bằng Long An - thế lực một thời của làng bóng chuyền nam. Khi đơn vị tài trợ Hoàng Long rút lui năm 2011, đội bóng miền Tây Nam Bộ lập tức rơi vào khủng hoảng, sống lây lất nhờ nguồn ngân sách hạn hẹp của ngành thể thao địa phương. Khi lương bổng cầu thủ dừng lại ở mức chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, khó có thể đòi hỏi gì hơn nơi "ông lớn" một thời này, kể cả mục tiêu trụ hạng trong khoảng chục năm qua.
Điều này lý giải vì sao đội nam Long An như được hồi sinh với nguồn tài trợ 5 tỉ đồng/mùa giải từ hai doanh nghiệp trong tỉnh là La Vie và Hải Sơn, tạm đủ để đội mạnh mẽ trở lại ở sân chơi quốc gia từ mùa 2021. Đây cũng chính là bài học sống còn của bóng chuyền Việt Nam mà nam Đắk Lắk không phải ngoại lệ.
Bình luận (0)