Tập trung đủ quân số vào ngày 3-8 và chỉ vài ngày sau đã lên đường sang Thái Lan tập huấn, đội bóng của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chưa bao giờ rơi vào tình cảnh cập rập đến thế trước một giải đấu lớn cấp châu lục. Tuyển bóng chuyền nữ chỉ có không đầy 3 tuần để chuẩn bị cho việc tái hội nhập. Sau hàng tháng trời ráo riết tập luyện tham dự SEA Games, mọi tuyển thủ phải trở về đội bóng chủ quản tiếp tục chinh chiến ở đấu trường vô địch quốc gia vào đầu tháng 7. Quãng nghỉ xả hơi sau giải chính là lý do khiến thể lực của mọi VĐV lùi về gần như bằng 0, khó có thể trở lại đỉnh cao trong ngày một ngày hai.
Tuyển nữ Việt Nam (bìa phải) chuẩn bị cho chiến dịch mới .(Ảnh: VIỆT PHẠM)
Không chỉ yếu tố thể lực của VĐV, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt còn băn khoăn khi không có được trong tay lực lượng tốt nhất, đặc biệt là các mũi chủ công, đối chuyền. Việc đội bóng Nhật Bản PFU Blue Cats đồng ý để Trần Thị Thanh Thúy quay về thi đấu cho tuyển Việt Nam tại AVC Cup vào giờ chót đã giải tỏa ít nhiều nỗi lo của nhà cầm quân này, nhất là khi ông không thể triệu tập chủ công Nguyễn Thị Bích Tuyền đang phải chữa trị chấn thương kéo dài. Cùng với Thanh Thúy, hàng công tuyển Việt Nam còn có Đoàn Thị Xuân, Vi Thị Như Quỳnh và Nguyễn Thị Uyên, những cái tên đã kịp tỏa sáng suốt thời gian qua.
Theo kế hoạch, Thanh Thúy sẽ bay từ Nhật sang thẳng Philippines để hội ngộ cùng toàn đội ngay trước khi giải đấu bắt đầu vào ngày 21-8. Cúp Bóng chuyền nữ châu Á (AVC Cup) 2022 sẽ kéo dài đến ngày 29-8 và đây là năm cuối cùng, sân chơi này được tổ chức trước khi chuyển sang một phiên bản khác phù hợp với lịch trình tranh tài của bóng chuyền nữ châu Á và thế giới kể từ năm 2023.
Việc không được giao chỉ tiêu cao ở AVC Cup 2022 có thể sẽ giúp đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu tự tin hơn ở bảng đấu hội tụ các đối thủ mạnh như Philippines, Iran, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở lần tham dự AVC Cup gần nhất vào năm 2018, tuyển Việt Nam xếp hạng 6 chung cuộc và hy vọng thành tích này sẽ được tái hiện tại Philippines cuối tháng 8 tới đây.
Bình luận (0)