Các kết quả này đều đã được giới chuyên môn dự báo dù VLXD Bình Dương cũng như Hà Nội đều đang nổi lên với vai trò "ngựa ô" và cùng khao khát thực hiện những màn lật đổ.
Chỉ tiếc là sau khi loại đương kim á quân Thể Công ở tứ kết, VLXD Bình Dương đã thực sự "chịu phép" trước Sanest Khánh Hòa dù lấy được của đội bóng phố biển Nha Trang một ván đấu để chấp nhận thua chung cuộc 1-3. Trong cảnh "lực bất tòng tâm", Hà Nội còn để thua nhanh cả 3 ván chỉ trong vòng 75 phút trước đương kim vô địch Tràng An Ninh Bình - một trong số hiếm hoi các đội bóng không sử dụng ngoại binh tại giải lần này.
Hóa chất Đức Giang Hà Nội 3 mùa giải liên tiếp dự chung kết nữ. (Ảnh: CƯỜNG PHẠM)
Cũng chủ trương sử dụng dàn cầu thủ tại chỗ nhưng nữ Ninh Bình Doveco đã không thể làm hơn Hóa chất Đức Giang Hà Nội, chính là đội bóng đã mạnh tay chi cả tỉ đồng để đổi lấy sự phục vụ của chủ công người Cameroon Moma Bassoko chỉ trong vòng 2-3 tuần lễ! Điều quan trọng là số tiền "khủng" mà Hóa chất Đức Giang Hà Nội bỏ ra xứng đáng đến từng xu khi Moma Bassoko ghi đến hơn 50% điểm số để giúp đội bóng thủ đô giành chiến thắng 3-1 (28-26, 14-25, 25-15, 25-21) trước Ninh Bình Doveco, lọt vào trận chung kết nữ mùa giải thứ 3 liên tiếp.
Gây "địa chấn" bằng việc đánh bại đương kim vô địch BTL Thông tin ở tứ kết, Geleximco Thái Bình tiếp tục làm choáng váng người xem khi loại tiếp ứng viên sáng giá VTV Bình Điền Long An trong vòng 3 ván (27-25, 25-20, 25-22) ở bán kết, trả được món nợ thất bại 0-3 tại vòng bảng. Đội bóng quê lúa phải chờ 5 năm để trở lại Top 4 quốc gia nhưng đã phải đợi đến 14 năm để góp mặt trở lại ở trận chung kết.
Hai đội bóng sở hữu ngoại binh hay nhất giải - Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Geleximco Thái Bình - gặp lại nhau ở chung kết. Hóa chất Đức Giang Hà Nội sẽ có lần đầu lên ngôi vô địch nữ hay Geleximco Thái Bình tìm lại vị trí số 1 sau 15 năm, câu trả lời sẽ có sau trận thư hùng đỉnh cao ngày 17-7.
Bình luận (0)