Là một trong những trụ cột của làng bóng chuyền nữ phía Nam và có nhiều thời điểm còn được xem là đối trọng đáng gờm của láng giềng VTV Bình Điền Long An, thế nhưng với vô vàn khó khăn hầu như không thể vượt qua, bóng chuyền nữ Vĩnh Long đã phải chia tay với nhà tài trợ lâu năm, trao quyền tự quyết số phận cho hàng loạt cầu thủ trụ cột đồng thời tuyên bố hủy bỏ quyền tham dự Giải Vô địch quốc gia 2021 khởi tranh ngay sau Tết nguyên đán.
Giành quyền trụ hạng mùa giải năm ngoái một cách khá chật vật rồi không lâu sau đó phải đau đầu giải quyết chuyện chủ công Nguyễn Thị Bích Tuyền nộp đơn xin giải nghệ ở tuổi 21, đội bóng chuyền nữ Truyền hình Vĩnh Long có vẻ như đã nhận ra việc họ chấp nhận tồn tại một cách thiếu căn cơ suốt nhiều năm ròng.
Vĩnh Long không thiếu tài năng mà Hoàng Kim, Ngọc Diễm, Bích Tuyền là những ví dụ rõ nét nhất, được nhiều đội bóng săn đón, chiêu mộ. Thế nhưng cũng chính bóng chuyền nữ Vĩnh Long luôn trầy trật qua từng mùa giải, phải vay mượn cầu thủ giỏi từ nhiều nguồn nhưng việc lên xuống hạng cứ như cơm bữa và mùa giải này chưa biết kết cục ra sao đã phải toan tính chuyện mùa tới.
Sự xuất hiện của Hóa chất Đức Giang không xóa nhòa nỗi buồn chia ly nhiều tên tuổi lớn Ảnh: Đông Linh
Các doanh nghiệp có tâm huyết với phong trào của tỉnh không cách nào kiên nhẫn với việc rót tiền đầu tư cho đội bóng nhưng kết quả không như mong đợi, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của đơn vị đồng hành. Đó là nguyên nhân khiến đội bóng giàu truyền thống ở miền Tây Nam Bộ quyết định "xóa đi làm lại" từ sân chơi dành cho cầu thủ trẻ dù biết hành trình sẽ rất gian nan, lâu dài.
Không chỉ có bóng chuyền nữ Vĩnh Long, một đội bóng có tiếng của khu vực phía Bắc nhiều năm góp mặt trong nhóm "tứ đại tỉ" cũng được cho là đang trên bờ vực của sự sụp đổ. Nhiều cầu thủ trụ cột xin kết thúc hợp đồng để đầu quân cho các đội bóng giàu tiềm lực. Ngay cả "thuyền trưởng" cũng có tin đã nộp đơn đề nghị được ra đi.
Một trong những cầu thủ chủ chốt cho biết cô chưa có ý định gì về chuyện đi - ở nhưng tâm trạng thực sự hoang mang. Theo cô, kể cả khi trụ lại được qua cơn sóng gió này, đội bóng cũng nên tính toán lại chế độ đãi ngộ vốn quá ít ỏi so với mặt bằng trình độ chuyên môn của VĐV. Sau ê-kíp Truyền hình Vĩnh Long, đây là trường hợp đáng tiếc nhất vì đội bóng cựu vô địch quốc gia này từng hoạch định phát triển theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng hẳn một trung tâm đào tạo trẻ bên cạnh cơ ngơi ăn ở hết sức tiện nghi dành cho lực lượng VĐV đội một.
Người hâm mộ vẫn chưa quên đội bóng từng giành ngôi á quân quốc gia là Vietsovpetro bất ngờ giải thể năm 2014, chỉ sau chưa đầy 8 năm xây dựng và phát triển. Sau đội bóng ngành dầu khí, nhiều trường hợp "bạo phát, bạo tàn" đã diễn ra, xuất hiện nhanh và biến mất cũng nhanh không kém, như Cao su Phú Riềng, Hòa Phát Hưng Yên, Bảo Long Hà Tây... Tất nhiên, các trường hợp này hoàn toàn không thể được đánh đồng với việc hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của những tên tuổi lừng lẫy một thời như Bưu điện Hà Nội, Dệt Nam Định, Dệt Long An hay Giấy Bãi Bằng.
Có những cuộc chia ly không hẹn ngày tái ngộ thấm đẫm nước mắt nhưng cũng không thể không nhắc đến nhiều cuộc "khai tử" chẳng để lại chút cảm xúc nào trong lòng người hâm mộ bởi một thiểu số muốn mượn bóng chuyền để đánh bóng thương hiệu nhưng bất thành trong cơ chế thải loại nghiệt ngã của thể thao chuyên nghiệp.
Bình luận (0)