Đây là vấn đề mà giới hâm mộ bóng chuyền băn khoăn đặt ra trong nhiều ngày qua bởi không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc tranh tài tại SEA Games 31 trên sân nhà vào cuối năm nay, giải đấu mà cánh chim đầu đàn Trần Thị Thanh Thúy và đồng đội sẽ phải bảo vệ ngôi á quân khu vực đã giành được hồi cuối năm 2019.
Không chỉ vấn đề thời gian, việc thuê HLV ngoại cũng cần được tính toán kỹ càng cũng như đạt được sự đồng thuận từ nhiều phía, tránh tái diễn câu chuyện không mấy vui vẻ hồi năm 2017 với chuyên gia Hidehiro Irisawa mà một trong những hệ lụy đáng tiếc nhất là việc tuyển bóng chuyền nữ lần đầu tiên mất ngôi á quân SEA Games sau gần hai thập kỷ chỉ chịu nhường bước Thái Lan.
Đa phần các tuyển thủ từng giành HCB SEA Games 30 sẽ trở lại đội tuyển trong năm 2021 (Ảnh: NGỌC LINH)
Tại Việt Nam, HLV ngoại thường lâm vào tình cảnh "bằng mặt, không bằng lòng", lại bị phiền nhiễu chuyện thủ tục giấy tờ đến mức phải cay đắng ra đi. HLV nội nắm quyền thì người này vướng chuyện "quân anh, quân tôi", phải đệ đơn từ chức để tránh ảnh hưởng uy tín cá nhân; còn người kia để "lọt sổ" những cầu thủ tốt nhất, thi đấu bết bát dẫn đến đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ.
Đang sở hữu thế hệ cầu thủ đồng đều nhất trong nhiều năm trở lại đây với đội tuyển trẻ từng lọt vào tốp đầu châu lục, các CLB cũng có những bước nhảy vọt về thành tích khi tham gia các giải chính thức của LĐBC châu Á nhưng rõ ràng với cách làm thiếu bài bản, không nhất quán như thời gian qua, bóng chuyền nữ Việt Nam "đuối" ngay từ sân chơi khu vực.
Bình luận (0)