Không phải đến thời điểm này, dư luận người hâm mộ lên tiếng báo động về những hệ lụy khó lường từ cung cách làm việc ở đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, nhất là trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30 với mục tiêu ít nhất cũng phải giành lại ngôi á quân khu vực đã mất vào tay người Indonesia 2 năm trước.
Tuy vậy, với việc tuyển nữ Việt Nam thua trắng trước 2 "đại kình địch" Thái Lan và Indonesia trong khi phải rượt đuổi tỉ số chật vật với Philippines để rồi thua chung cuộc đối thủ này tại ASEAN Grand Prix Cup 2019, người hâm mộ có quyền nghi ngờ chỉ tiêu có phần xa rời thực tế mà Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đưa ra.
Theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, bóng chuyền nữ Việt Nam hiện sở hữu những cầu thủ trẻ mà tài năng đã được khẳng định thuộc tốp đầu Đông Nam Á ở từng vị trí của mình. Với nguồn "bột" cực tốt như thế, việc đầu tư, chăm chút để gia công thành một lượng "hồ" với phẩm chất tốt chính là điều được kỳ vọng. Chỉ tiếc là những thành tích hào nhoáng nhưng không nhiều giá trị ở các giải giao hữu như Asian Peace Cup, VTV Cup… lại được ca tụng hết lời, như để xua đi nỗi nghi ngại của dư luận xung quanh những đợt tập huấn vừa qua khi 2 đội tuyển U23 nam - nữ thiếu thốn trang phục và dụng cụ tập luyện trong khi trang thiết bị hỗ trợ còn kém cả các CLB.
Tuyển nữ Việt Nam (16) trắng tay tại ASEAN Grand Prix 2019. Ảnh: MMC
Dự liên tiếp 3 giải đấu chỉ trong khoảng 40 ngày - gồm cả Giải Vô địch U23 châu Á - với đội hình hầu như không mấy thay đổi, điều rất dễ nhận thấy là các tuyển thủ nữ có dấu hiệu quá tải, thậm chí vài vị trí chủ chốt chấn thương rất nặng. Chủ công Thanh Thúy dính chấn thương không thể tham dự trận chung kết VTV Cup, còn đồng đội của cô tại VTV Bình Điền Long An là Dương Thị Hên bị nặng hơn nhiều với chấn thương sụn gối, dây chằng chéo, dây chằng sau…, nhiều khả năng phải nghỉ đến nửa năm để chữa trị và hồi phục.
Một mũi chủ công khác là Nguyễn Thị Bích Tuyền hiện vẫn là chủ đề tranh cãi giữa Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và ngành thể thao tỉnh Vĩnh Long khi một bên trưng ra bằng chứng VĐV của mình dính chấn thương cột sống khá nghiêm trọng, một bên khăng khăng yêu cầu đơn vị chủ quản phải đưa VĐV ra tận Hà Nội để kiểm tra có đúng chấn thương mới cho hoãn tập trung.
Ở một khía cạnh khác, chủ công Đinh Thị Thúy do vướng hợp đồng đào tạo với đội bóng cũ Ngân hàng Công Thương nên đang bị làm khó dễ chuyện cô chuyển đến thi đấu cho Kinh Bắc Bắc Ninh. Chưa có nổi tấm thẻ thi đấu để chơi bóng ở giải quốc nội, xem ra đường trở lại đội tuyển quốc gia của cầu thủ 22 tuổi này còn mịt mù dù Thúy đang có phong độ hết sức ổn định.
Đang có lực lượng đồng đều nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng với cách làm hiện tại, bóng chuyền nữ Việt Nam xem ra đang tự làm suy yếu chính mình và mục tiêu tranh chấp huy chương SEA Games xem ra khó thành hiện thực.
Bình luận (0)