Ở mùa giải 1996, trên sân Cao Lãnh, sau khi kết thúc trận chung kết giữa đương kim vô địch Công an TP HCM và Đồng Tháp, rất đông các cầu thủ của đội khách đã vây lấy trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng (Hà Nội) để phản đối những quyết định của ông.
Đội trưởng đồng thời cũng là tuyển thủ đội tuyển quốc gia Chu Văn Mùi lao thẳng và tung nắm đấm vào trọng tài Hùng cùng sự giúp sức của tuyển thủ Lê Huỳnh Đức.
Mặc dù tung đòn không trúng trọng tài Tuấn Hùng nhưng Chu Văn Mùi phải nhận án treo giò suốt đời. Lê Huỳnh Đức cũng không thoát án với 6 tháng treo giò. Đấy là thời điểm Huỳnh Đức đang là tiền đạo chủ lực của đội tuyển Việt Nam.
Năm 1998, tại giải vô địch quốc gia, trong một tình huống gây tranh cãi dẫn đến quả phạt đền cho Đồng Tháp, trọng tài Trương Thế Toàn (người Hà Nội) đã bị các cầu thủ và CĐV của Vĩnh Long đuổi đánh trên sân. Ông Toàn đã phải chạy theo hình zích-zắc để tránh đòn. Xem lại những clip bi hài đó khiến nhiều người không khỏi ngao ngán về một thời kỳ bóng đá vẫn rất "mông muội".
Ban Kỷ luật của VFF đã họp khẩn và quyết định loại Vĩnh Long khỏi giải, cùng với án treo giò 2 năm đối với những người cùng lao theo nhằm hành hung trọng tài là thủ môn Ngô Hoàng Kiệt cùng cầu thủ Phạm Văn Đại, Trương Thảo Sơn.
Dường như thói xấu khó bỏ của bóng đá Việt Nam đang trở lại khi gần đây xuất hiện nhiều hơn trường hợp các trọng tài bị đuổi đánh. Chiều 18-7, sau khi để thua Phố Hiến 1-4 và không thể giành quyền lên chơi Giải Hạng nhất quốc gia 2019, một số cầu thủ của CLB Bà Rịa - Vũng Tàu đã đuổi đánh trọng tài.
Lực lượng an ninh ngăn cản một CĐV Nam Định lao xuống sân đuổi đánh trọng tài và hành hung phóng viên ở trận Nam Định - SLNA tại vòng 18 V-League 2018 Ảnh: Hải Anh
Những hình ảnh được chia sẻ khiến nhiều người sửng sốt. Bởi trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang lên chuyên nghiệp vẫn tồn tại những cầu thủ vô văn hóa, có hành vi phi thể thao như vậy. Cần loại bỏ ngay những trường hợp như vậy khỏi đời sống bóng đá. Những cầu thủ như thế không được phép có chỗ đứng trên sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trên trang fanpage của CLB đã đăng tải clip kèm theo những chia sẻ đầy thất vọng: "Thất vọng vì chúng ta đã thua toàn diện, thua về lối chơi, thua về ý chí. Nhưng cái thua và nỗi thất vọng lớn nhất đó là những hành động phi thể thao của một số thành viên của đội bóng khi đuổi đánh trọng tài. Không cần biết đó là lý do gì nhưng chúng tôi và tất cả người hâm mộ chân chính yêu môn thể thao vua này đều phản đối hành vi đó".
Ở vòng 18 V-League 2018 vừa qua, một hình ảnh nhức nhối cũng không kém đã xuất hiện khi CĐV của Nam Định nhảy xuống sân đuổi đánh trọng tài, hành hung phóng viên. Sau khi Ban Kỷ luật VFF chỉ ban hành án phạt dành cho CLB, một câu hỏi được đặt ra: Vậy rốt cuộc, ban điều hành V-League vẫn làm ngơ với những CĐV này khi vẫn tiếp tục để họ đến sân theo dõi bóng đá? Trách nhiệm của những người đứng đầu đang ở đâu?
VFF, VPF, Ban Điều hành V-League cần thẳng tay loại bỏ những hình ảnh xấu xí đang khiến bóng đá Việt Nam mất điểm nghiêm trọng, đặc biệt sau khi người hâm mộ đã xem quá nhiều cái hay, đẹp từ sân cỏ World Cup 2018 trên đất Nga.
Thanh lý hợp đồng cầu thủ Trần Quốc Tuấn
Trong thông cáo báo chí được phát đi chiều 19-7, lãnh đạo CLB Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi lời xin lỗi đến tổ trọng tài, đồng thời cũng mong muốn được người hâm mộ cả nước, VFF và lãnh đạo tỉnh lượng thứ vì hành động bộc phát của cầu thủ Trần Quốc Tuấn. "Xuất phát từ tham vọng và khát khao thăng hạng của đội bóng, tâm lý của cầu thủ Quốc Tuấn đã không tốt dẫn đến những hành động tiêu cực trên. Rất mong nhận được sự lượng thứ của tổ trọng tài và toàn thể người hâm mộ bóng đá cả nước. Ban lãnh đạo quyết định thanh lý hợp đồng cầu thủ mắc sai phạm. Cũng từ bài học kinh nghiệm quý báu này, lãnh đạo CLB hứa sẽ đào tạo và giáo dục cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ trẻ, nhằm giúp họ không chỉ tiến bộ về chuyên môn bóng đá mà còn phát triển toàn diện. Đây chính là động lực để CLB quyết tâm liên kết thành lập học viện bóng đá với CLB Juventus trong thời gian tới" - lãnh đạo CLB Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh.
Bình luận (0)