Phản bác kịch liệt ý tưởng của Chủ tịch FIFA G.Infantino có lẽ là Hiệp hội Các CLB bóng đá châu Âu (ECA), tổ chức quy tụ hơn 200 đội bóng của 53 quốc gia, trong đó có cả các CLB tên tuổi như M.U, Arsenal, Liverpool, Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich… ECA không hoan nghênh việc mở rộng sân chơi World Cup một khi FIFA đã không hề tham khảo hoặc đếm xỉa đến ý kiến từ các CLB, chủ thể chịu nhiều tác động nhất từ dự án này.
Việc tổ chức World Cup với 48 đội tuyển vào năm 2026, về lý thuyết, có 9 năm để từ ý tưởng trở thành hiện thực. Tuy vậy, trong thực tế, chỉ có khoảng 2 năm để đàm phán, thỏa thuận bởi nước chủ nhà nào cũng cần có 7 năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng cùng công tác tổ chức.
Là một trong những nhà chuyên môn đầu tiên được hỏi về vấn đề này, HLV J.Mourinho cho biết: “Người hâm mộ có thể tán đồng nhưng là một nhà cầm quân, tôi sẽ phản đối. Mở rộng World Cup, tức cầu thủ của chúng tôi có ít ngày nghỉ hơn, đội bóng không có đủ thời gian để chuẩn bị cho mùa giải mới. Mở rộng World Cup có nghĩa lý gì nếu các đội bóng nhỏ, ít kinh nghiệm chỉ đến thi đấu đủ 2 trận rồi về? Việc mở rộng Euro 2016 với rất nhiều trận đấu kém chất lượng là một minh chứng. Đó là chưa kể nguy cơ chấn thương của cầu thủ cũng rất lớn”.
Tuy nhiên, cựu danh thủ D.Maradona nhấn mạnh đến việc có nhiều đội bóng đạt được ước mơ tham dự World Cup, hâm nóng khát vọng bóng đá nơi các thế hệ trẻ. Nhiều đội dự vòng chung kết, người hâm mộ theo ủng hộ đông hơn, qua đó kích thích sự phát triển của nền kinh tế.
Với việc tăng thêm 16 suất cho vòng chung kết, châu Âu sẽ có 16 đại diện (tăng 3), châu Phi và châu Á có thể sẽ có đến 9 đại diện mỗi nơi (trước là 5 và 4). Châu Á và châu Âu là chủ nhà của 2 vòng chung kết 2018 và 2022 nên theo chu kỳ xoay vòng, Mỹ thích hợp nhất với vai trò chủ nhà World Cup 2026. Canada (chưa từng đăng cai) và Mexico (2 lần) cũng là 2 ứng viên đáng kể.
Bình luận (0)