Cho đến trước giờ bóng lăn, Nhật Bản mới chỉ để thủng lưới 3 bàn, rải đều từ vòng bảng, tứ kết rồi bán kết. Đây không phải là kết quả của lối chơi phòng ngự tiêu cực mà trái lại, các cô gái châu Á đã phô diễn một lối chơi khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự và phản công hiệu quả với 9 lần lập công qua sáu trận đấu.
Trong khi đó, dù cũng ghi được 9 bàn thắng nhưng tuyển Mỹ còn thể hiện lối chơi ấn tượng hơn khi thủ thành Solo Hope giữ sạch mành lưới trong 5 trận liên tiếp kể từ sau chiến thắng 3-1 trước tuyển Úc trong trận mở màn.
Không thể phủ nhận với ưu thế về chiều cao và sức mạnh, các cầu thủ tuyển Mỹ đã nhanh chóng áp đặt được thế trận trước Nhật Bản. Tuy nhiên, “thủ phạm” gián tiếp tiếp tay vào 4 bàn thua trong vòng 16 phút đầu tiên của tuyển Nhật có lẽ không ai khác hơn… khoảng mở của mái che trên sân vận động BC Place Vancouver! Vệt nắng rất lớn phủ đến 2/3 phần sân Nhật Bản, gồm cả khu vực khung thành khiến thủ môn Ayumi Kaihori gặp rất nhiều khó khăn trong việc chỉ đạo hàng thủ che chắn phía trước. Bóng mới lăn được 3 phút, từ quả đá phạt góc của Rapinoe, thủ quân Carli Lloyd băng lên tung cú sút dũng mãnh, mở tỉ số trận đấu.
Chưa hết choáng váng với bàn thua này, chỉ 2 phút sau đó, từ quả đá phạt của tuyển Mỹ, không có cầu thủ Nhật Bản nào đeo bám Calri Lloyd để cô ung dung dứt điểm cận thành, nhân đôi cách biệt. Trong cả hai tình huống này, hậu vệ Asuza Iwashimizu đều không thể bám sát chân sút nguy hiểm nhất của tuyển Mỹ.
Sau khi Lauren Holiday ghi bàn thứ ba ở phút 14 cho tuyển Mỹ cũng do lỗi kèm người của các hậu vệ Nhật Bản, hai phút sau, phát hiện thủ môn Ayumi Kaihori bước lên khá xa, Carli Lloyd đoạt bóng trong chân một cầu thủ đối phương từ giữa sân và sút thẳng về cầu môn Nhật Bản. Bóng nằm gọn trong lưới trước sự bất lực của các cầu thủ nữ Nhật Bản. Carli Lloyd có được cú hat-trick đầu tiên tại giải đồng thời tham gia vào 8/9 tình huống ghi bàn gần nhất của tuyển Mỹ với 6 pha lập công cùng 2 đường chuyền kiến tạo!
Nhật Bản không nản lòng và những pha phản công miệt mài của họ đã được đền bù ở phút 27. Nahomi Kawasumi chuyền bóng chính xác vào vòng cấm để Yuki Ogimi sút hạ thủ thành Solo Hope. HLV Sasaki sau đó liên tiếp tung thêm các chân sút Homare Sawa rồi Yuika Sugasawa vào sân để tăng cường sức tấn công cho Nhật Bản.
Sau giờ nghỉ, đến lượt tuyển Mỹ rơi vào cảnh bất lợi khi khung thành bị chói nắng. Phút 52, từ một pha đá phạt của Nhật Bản, Julie Johnston đánh đầu ngược về cầu môn nhưng thủ thành Sole Hope bị mất tầm nhìn đã để bóng đi luôn vào lưới nhà dù đã kịp chạm tay. 2-4 cho Nhật Bản.
Tuyển Mỹ lập tức có bàn thắng thứ 5 trong trận chỉ hai phút sau đó. Carli Lloyd đá phạt góc cánh phải để Morgan Brian trả ngược bóng vào giữa cho Toby Heath dứt điểm cận thành, nâng tỉ số lên 5-2. Đến thời điểm này, đây đã là trận chung kết có tỉ số cao nhất trong lịch sử các kỳ World Cup nữ và nguy cơ Nhật Bản trở thành cựu vô địch đã hiển hiện.
Các tuyển thủ Mỹ vui mừng sau bàn thắng thứ 5 của Toby Heath (17)
Video clip bàn thắng:
Không có thêm bàn thắng nào được ghi ở thời gian còn lại của trận đấu và tuyển Mỹ lần thứ ba trong lịch sử bước lên bục chiến thắng sau các lần trước vào các năm 1991 và 1999.
Nhật Bản đánh bại Mỹ ở chung kết World Cup 2011 tại Đức và Mỹ “phục thù” bằng chiến thắng 2-1 ở trận tranh HCV Olympic 2012 tại London - Anh. Một lần nữa, bóng đá Mỹ chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình so với phần còn lại của thế giới (ngoài Nhật Bản vô địch năm 2011, Đức có hai danh hiệu liên tiếp các năm 2003, 2007 và Na Uy có một lần lên ngôi vào năm 1995).
* Ở trận tranh hạng ba diễn ra trước đó, tuyển Anh đã đánh bại các nữ tuyển thủ Đức với tỉ số 1-0, bàn thắng duy nhất được ghi do công của Fara Williams trên chấm 11 mét ở phút 108 sau khi đồng đội Lianne Sanderson bị Tabea Kemme (Đức) phạm lỗi trong vòng cấm. Pha lập công này đã đem về tấm HCĐ cho tuyển Anh tại World Cup nữ 2015.
Bình luận (0)