Với tội danh theo quy định của pháp luật, các cầu thủ bán độ sẽ phải nhận những bản án có khung hình phạt rõ ràng. Đó chưa chắc đã là bản án khắc nghiệt nhất dù các cầu thủ có thể phải ngồi tù.
Bản án nghiêm khắc nhất mà họ phải nhận với tư cách một cầu thủ sẽ là cấm vĩnh viễn chơi bóng chuyên nghiệp. Đó là bản án tước đi cái quyền đơn giản nhưng thiêng liêng nhất của một cầu thủ. Với quyết tâm bài trừ, tiêu diệt tiêu cực rốt ráo, VFF sẽ đưa ra mức kỷ luật cao nhất sau khi các cầu thủ chịu sự trừng trị của pháp luật.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định: “Đã từng có những sự khoan hồng dành cho các cầu thủ phạm sai lầm để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, lứa cầu thủ sau này phải nhìn vào đó như một bài học để tự răn mình và tránh xa tiêu cực. Nếu họ lại tiếp tục phạm phải sai lầm như những người đi trước, bất chấp những bài học đã có thì không thể nào chấp nhận được, nền bóng đá này không dung nạp những cầu thủ như vậy”.
Ông Dũng cho biết mức độ răn đe của mức án dành cho các cầu thủ sắp tới sẽ phải rất cao để phòng ngừa tiêu cực. Những cầu thủ coi thường pháp luật, coi thường đạo đức cầu thủ đã tự kết án họ. “Không người hâm mộ nào chấp nhận một cầu thủ đã nhúng chàm trở lại sân cỏ sau rất nhiều lời cảnh tỉnh” - ông Dũng nói. V-League và thậm chí đội tuyển quốc gia có thể mất đi những cầu thủ giỏi nhưng ông Dũng cho rằng một nền bóng đá sạch, một đội tuyển sạch quan trọng hơn là một nền bóng đá có sức mạnh nhưng chơi thứ bóng đá lừa dối.
Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng đang chờ quyết định khởi tố từ phía cơ quan công an để chính thức ra lệnh cấm thi đấu V-League với 6 cầu thủ Đồng Nai tham gia cá độ và dàn xếp tỉ số trận thua Than Quảng Ninh 3-5 cuối tuần qua, sau khi VFF đã thông báo tạm đình chỉ họ tham gia các hoạt động bóng đá. Sáu cầu thủ này gồm: Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến, Phan Lưu Thế Sơn và Đinh Kiên Trung. Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc VPF, nói: “Phải đến sau khi phiên tòa xử các cầu thủ với tội danh và mức án rõ ràng thì VFF và VPF mới đưa ra mức kỷ luật của mình nhưng ngay từ thời điểm bước chân vào đường dây cá độ, mua bán độ, họ đã tự loại bỏ tư cách và vinh dự cầu thủ của mình”.
Ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Ban Kỷ luật của VFF, cho biết: “Việc cấm thi đấu chuyên nghiệp vĩnh viễn nằm trong thẩm quyền của VFF nếu xét thấy những yếu tố tăng nặng như thời gian tham gia đường dây cá độ - dàn xếp tỉ số, số tiền làm độ và không biết rút kinh nghiệm từ những vụ việc trước đó”.
Để cấm một cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu vĩnh viễn, VFF còn phải làm một công việc hết sức đau lòng là gửi danh sách các cầu thủ này tới FIFA để Ủy ban Đạo đức của FIFA đưa họ vào danh sách cấm thi đấu trên toàn cầu. Trước đây, VFF đã từng một lần phải làm việc này với nhóm cầu thủ bán độ ở SEA Games 23 năm 2005 sau khi những cầu thủ này nhận án tù vào năm 2007. Tất cả các cầu thủ trong vụ bán độ ở tuyển U23 quốc gia khi ấy sau này đều được pháp luật giảm án và VFF tạo điều kiện quay trở lại sân cỏ bằng cách xin FIFA dỡ bỏ lệnh cấm thi đấu.
Lần này, VFF phải thêm một lần gửi danh sách các cầu thủ thi đấu ở giải chuyên nghiệp dàn xếp tỉ số. Vì thế, chắc chắn tổ chức đang điều hành nền bóng đá nước nhà sẽ vĩnh viễn cấm các cầu thủ bán độ quay trở lại sân cỏ.
Bình luận (0)