Nếu như Olympic Rio là kỳ thế vận hội cuối cùng mà Bolt góp mặt sau khi hoàn tất "hat-trick" 3 HCV các cự ly tốc độ ở 3 đại hội (Bắc Kinh 2008, London 2012, Rio 2016) thì khi giải đấu tại London 2017 khép lại, người hâm mộ sẽ chứng kiến "tia chớp đen" người Jamaica nói lời chia tay vĩnh viễn đường chạy ở tuổi 30 sau 6 lần liên tiếp tham dự sự kiện điền kinh hàng đầu thế giới.
Tuổi tác cũng như điều kiện sức khỏe không còn cho phép Bolt tiếp tục tranh tài ở cấp độ cao nhất và anh đã chọn cho mình cách ra đi trên đỉnh vinh quang. Điền kinh thế giới từng sản sinh nhiều gương mặt xuất sắc ở mọi nội dung thi đấu nhưng chắc hẳn không bao giờ có được Usain Bolt thứ hai - người vượt qua mọi khoảng cách thời gian và không gian để ghi tên mình vào lịch sử.
Mang chứng vẹo xương sống từ bé, sở hữu chiều cao quá khổ (1,95 m) và bàn chân cỡ 13 không mấy lý tưởng cho một VĐV chạy cự ly ngắn nhưng chàng trai Usain Bolt đến từ thị trấn nhỏ bé Trelawny ở Jamaica đã trở thành "người chạy nhanh nhất thế giới". Anh có 8 lần đăng quang ở Olympic, sở hữu tổng cộng 23 HCV các cự ly 100 m, 200 m và tiếp sức 4x100 m, nắm giữ 2 kỷ lục thế giới trên đường chạy 100 m, 200 m suốt 8 năm qua mà không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ bị xô đổ trong tương lai gần.
Các kỷ lục của Bolt rất khó bị đánh bại Ảnh: REUTERS
Không phải là một cỗ máy, Bolt từng có lúc thất bại khi phạm quy trong đợt chạy chung kết 100 m tại Giải Vô địch thế giới 2011 ở Daegu - Hàn Quốc. Bolt cũng không là một chàng trai ngoan hiền khi với khối tài sản lên đến 60 triệu USD, báo chí nhiều lần phát hiện anh sa đà ở các quán bar, vui chơi xả láng với "chân dài", thậm chí bị cho là "qua đêm" với vợ cũ của một trùm ma túy.
Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất cho sự nghiệp vĩ đại của Usain Bolt là anh chưa bao giờ - ít nhất đến thời điểm này - "vướng" vào doping, một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến vô số đại án của làng điền kinh, kể cả của thể thao thế giới. Doping tàn phá tiếng tăm của nhiều ngôi sao, trong đó có kình địch người Mỹ Justin Gatlin hoặc ngay chính các đồng đội của Bolt ở đội tuyển Jamaica (Asafa Powell, Nesta Carter) là những ví dụ đau xót. Bản thân Bolt với những thành tích phi thường cũng nhiều lần bị đặt nghi vấn về sử dụng doping nhưng anh luôn vượt qua mọi cuộc kiểm tra, đủ để giới chuyên môn lẫn người hâm mộ phải bái phục.
Nếu như Nike xây dựng đế chế thương hiệu của mình với danh tiếng của cựu ngôi sao bóng rổ Michael Jordan, còn thương hiệu Adidas gắn chặt với đại sứ, cựu cầu thủ bóng đá David Beckham thì hãng sản xuất trang thiết bị thể thao Puma dự kiến sẽ trao cho Usain Bolt vai trò người đứng đầu chi nhánh của mình tại khu vực Trung Mỹ, tất nhiên chỉ sau khi anh tuyên bố giải nghệ.
Puma là nhà bảo trợ cho Bolt từ khi anh mới 15 tuổi. Những giá trị nhận lại từ thành công của Bolt được xem là vô giá đối với Puma, nhãn hiệu gắn với hình ảnh chú báo dũng mãnh vươn tới thành công. Liên đoàn Điền kinh thế giới cũng sớm đề nghị Bolt đảm nhận vai trò đại sứ, đem khát vọng thành công đến cho các thế hệ VĐV trẻ thay vì nhìn họ sa đà vào cơn lốc doping.
Bình luận (0)