Ở buổi họp báo phát động "Hành trình Hát vì đội tuyển" (cuộc thi Sáng tác bài hát và MV cổ động bóng đá Việt Nam) sáng 14-11 tại TP HCM, sau phần đóng góp 20 triệu đồng/người của các CĐV - doanh nhân Trần Song Hải và Phạm Văn Sáng thì Nguyễn Hoài Thanh bất ngờ hưởng ứng với số tiền tương tự.
Nhiều người tưởng rằng Hoài Thanh là công nhân nghỉ việc đến cổ vũ cho chương trình nhưng thật bất ngờ khi biết anh là chủ chuỗi tiệm hớt tóc Đông Tây. Thanh còn rất trẻ, mê bóng đá, mê đội tuyển và ít ai biết là trải qua nhiều nghịch cảnh để có được như hôm nay.
Năm 1990, Thanh cất tiếng khóc chào đời ngay dưới chân cầu La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mà không biết cha mình. Lớn lên cùng bà ngoại, tuổi thơ của Thanh gắn liền với những cơ cực khi mẹ thì đau yếu, ngoại già nhưng vẫn là lao động chính của gia đình. Sau những giờ học, cậu bé còm lại vội vã đi phụ việc, cắt cỏ để kiếm tiền phụ ngoại. Hằng ngày, Thanh vẫn dành chút thời gian để cùng bạn bè lối xóm quần thảo trên sân với trái bóng nhựa, đã được nhồi thêm cao su vào giữa, vốn là trò chơi quen thuộc của trẻ em nghèo vùng thượng nguồn sông La Ngà.
Nguyễn Hoài Thanh thổ lộ mong muốn của mình và CĐV Việt Nam tại lễ phát động chương trình “Hành trình hát vì đội tuyển” do Báo Người Lao Động và Công ty VSET đồng tổ chức
Hoài Thanh với công việc quen thuộc mỗi ngày
Đến năm 8 tuổi, vừa được nghỉ hè, chú bé còm cõi ngày nào men theo Quốc lộ 20, liều lĩnh bắt xe khách xuống TP HCM để làm thêm kiếm tiền. Cứ ôm balô lơ ngơ, Thanh sợ mình bị bắt cóc nhưng nhớ lời dặn của ngoại, nên nhanh trí đến mấy quán cơm, tổ hợp sản xuất nhỏ để xin làm. Trải qua đủ nghề như rửa chén, cắt chỉ thừa ở HTX may mặc, bán vé số…, dần dần Hoài Thanh tạo được sự tin tưởng cho những người chủ của mình, để hết hè lại về đi học, hè sang năm lại lên chỗ cũ nhận việc. Cứ như vậy mà lặng lẽ trôi qua đến 10-11 năm, cho đến một ngày, chàng thanh niên 20 tuổi chợt giật mình: "Phải có một cái nghề cụ thể và có thể tự nuôi sống bản thân, tự làm chủ đời mình".
Năm 2010, Hoài Thanh đến xin học việc tại một tiệm hớt tóc ở quận Tân Phú, TP HCM. Theo Thanh, đây là cái nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nhưng cũng nhanh ra nghề, nhanh chóng kiếm được tiền nuôi thân. Cũng phải mất 8 năm theo học và tính lũy kinh nghiệm, chàng trai nghèo ở huyện Định Quán không chỉ dừng ở chỗ nuôi thân mà chuyển sang tìm cách lập nghiệp. Anh quan sát cách quản lý, điều hành một tiệm nho nhỏ như thế nào...
Hoài Thanh đã xin thầy "xuất môn" để mở một tiệm nho nhỏ trên đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) cùng với cô vợ xinh xắn đến từ Hậu Giang cũng phụ Thanh trong việc quản lý và làm nghề tóc. Ban đầu chỉ 1-2 thợ phụ việc, chỉ sau 8 tháng, bằng sự vén khéo, tiệm của Thanh ngày càng lớn và nổi tiếng. Sau vài tháng ổn định lượng khách, anh chủ trẻ Thanh chợt nhớ những ngày gian khó của mình, khi lang thang đi làm trên thành phố, nhiều lúc muốn cắt một mái tóc đơn giản mà lại không có đủ tiền trong túi. Vậy là Thanh bàn với vợ cắt tóc cho những người khó khăn, đầu tiên hết là giới xe ôm.
Ban đầu chỉ một tiệm, nay Thanh đã đến 3 cơ sở ở Tân Bình và quận 10. Một đồn 10, 10 đồn 100 giữa cánh tài xế xe ôm công nghệ, vé số…, chuỗi tiệm của Thanh càng đông khách. Với những người khuyết tật ngồi xe lăn đi lại khó khăn, nhân viên tiệm sẵn sàng đứng sát lề đường "tạo mẫu" cho họ. Với 3 căn tiệm này, Thanh đã có được hơn 50 nhân viên và thợ học việc, thậm chí có cả những Việt kiều Campuchia, rồi một người Anh sang học để về nước phát triển mô hình này. Hiện tại, Hoài Thanh còn liên kết với một số trường học để đến hớt tóc "miễn phí nhưng phải đẹp" cho sinh viên - học sinh.
Luôn tất bật với công việc nhưng niềm đam mê bóng đá trong anh vẫn không hề lắng lại mà ngày càng bùng cháy. Chàng trai 28 tuổi cho biết: "Thanh mê bóng đá lắm, yêu đội tuyển lắm, nhất là khi vang lên 2 tiếng Việt Nam thiêng liêng. Nhờ vậy, khi biết được có chương trình "Hành trình hát vì đội tuyển" do Báo Người Lao Động cùng Công ty VSET tổ chức, Thanh hy vọng các CĐV sẽ nhanh chóng có được một bài hát cổ vũ truyền thống để giúp CĐV gần gũi hơn, mạnh mẽ hơn và khẳng định được mình khi sát cánh với các cầu thủ của chúng ta!".
Hôm 16-11, Thanh mua vé bay ra Hà Nội và là một trong những CĐV may mắn có vé vào sân Mỹ Đình cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang-seo ở trận thắng Malaysia 2-0.
Bình luận (0)