Không chỉ có chuyên môn giỏi, cô giáo thể chất Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Ngọc Phương Trinh còn năng động, sáng tạo, chủ động trong công việc, có tinh thần học hỏi để nâng cao năng lực. Đó là đánh giá của Hội đồng Xét chọn Giải thưởng Võ Trường Toản khi trao giải cho "cô gái vàng" judo Việt Nam thập niên 1990 này.
Phương Trinh là một trong 50 giáo viên, cán bộ ngành giáo dục TP được vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2018.
Sau khi giã từ thảm đấu do chấn thương, 18 năm qua, từ một cô võ sĩ dũng mãnh, tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là nhà giáo Cao Ngọc Phương Trinh nhẹ nhàng nhưng đầy tâm huyết, luôn hết mình vì học trò. Sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, cô đã chọn gắn bó với nghề giáo.
Nhớ lại những ngày đến với môi trường học đường, cựu VĐV này cho biết: "Khác với thể thao chuyên nghiệp, khi các VĐV trẻ luôn có nền tảng thể lực tốt thì ở môi trường học đường, thể trạng của các học sinh lại là một câu chuyện khác… Do vậy, khó khăn đầu tiên của Trinh chính là việc từ một HLV chuyên nghiệp, phải vừa học vừa làm, vừa tìm tòi nghiên cứu vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, kết hợp tự đào tạo bản thân, mạnh dạn thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy mới".
Giáo viên Cao Ngọc Phương Trinh cùng các học sinh tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM)Ảnh: Lan Chi
Nhờ đó, giờ học thể dục với cô Trinh lúc nào cũng sôi nổi, nhiều nội dung mới. Phương Trinh thổ lộ: "Bản thân tôi phải biết điều tiết cho vừa sức và phải nghiên cứu học hỏi ở sách vở, biết lượng vận động phù hợp, không thể áp dụng chung một giáo án. Phải tìm tòi phương pháp nào cho các em dễ thực hiện nhất".
Cảm thấy một mình mình vẫn chưa thể có đủ kinh nghiệm, cô giáo từng là "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam không ngại ngần đăng ký thao giảng. Năm nào cũng đăng ký, mục đích là để đồng nghiệp trong trường dự giờ sẽ đóng góp cho mình phương pháp. Đã có không ít đồng nghiệp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nói: "Trinh thao giảng toàn thế võ, anh chị biết đóng góp ý kiến gì?", nhưng cô Trinh mạnh dạn trao đổi: "Có thể anh chị không đóng góp về chuyên môn nhưng anh chị đóng góp về phương pháp cho tôi để tôi tìm ra phương pháp dạy học trò".
Để từ đó, phương pháp học hỏi của cô giáo Trinh chính là: "Mỗi giáo viên đều có phương pháp để dạy học trò. Có thể về lý thuyết, sách vở đã chỉ đòn đó phải dạy như thế, không ai cãi được nhưng làm sao để rút tỉa ra cách thức giúp học trò ra đòn nhanh. Điều đó cần có kinh nghiệm giảng dạy".
Luôn nhiệt tình trong công tác chuyên môn, ý thức đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sống trọn với đam mê và cống hiến hết mình vì sự tiến bộ của học trò là điều tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ghi nhận ở Phương Trinh.
Cũng luôn hết lòng với các em mà hơn 5 năm nay, Cao Ngọc Phương Trinh cùng vài học trò thân thiết đã tạo dựng một lớp võ tình thương tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP HCM để mang võ đạo đến cho các em huyện đảo, vốn chịu nhiều thiệt thòi.
Cao Ngọc Phương Trinh tập judo khi lên 10 tuổi và là võ sĩ judo Việt Nam đầu tiên 3 lần liên tục giành ngôi vô địch SEA Games 16, 17, 18 hạng cân 48 kg. Năm 1996, tại Olympic Atlanta (Mỹ), Cao Ngọc Phương Trinh là VĐV Việt Nam đầu tiên giành quyền dự tranh ở môn judo tại một kỳ Thế vận hội mùa hè.
Trong đợt tập huấn tại Đài Loan chuẩn bị cho SEA Games 19, chị bị bể sụn chêm gối trái, phải phẫu thuật và cuối cùng giã từ thảm đấu khi đang ở phong độ tốt nhất.
Bình luận (0)