Không chỉ áp đảo bằng thành phần gồm 98 kỳ thủ tham gia tranh tài ở 12 bảng đấu các lứa tuổi U8, U10, U12, U14, U16, U18 nam và nữ, đoàn Việt Nam còn sớm khẳng định sức mạnh bằng 13 tấm huy chương, trong đó có 5 HCV, sau phần tranh tài đầu tiên ở nội dung cờ nhanh.
Nếu bộ đôi Đầu Khương Duy - Đinh Nho Kiệt chia nhau 2 vị trí dẫn đầu bảng U12 nam thì ở bảng U14 nam, Phạm Trần Gia Phúc và Đặng Anh Minh cũng giành thành tích tương tự. Câu chuyện suýt được tái hiện ở bảng U16 nam khi Võ Phạm Thiên Phúc giành HCV, còn Nguyễn Quốc Hy dù có cùng 5 điểm với người giành HCB là Zahmati Sobhan (Iran) nhưng do kém hiệu số phụ nên đành hài lòng vị trí thứ ba với tấm HCĐ.
Kỳ thủ Nguyễn Hồng Nhung tại Giải Vô địch trẻ châu Á 2022. (Ảnh: CHÂU MINH)
Ở bảng U10 nữ, cô con gái nhỏ của cặp vợ chồng kỳ thủ Tống Thái Hùng - Nguyễn Thị Thanh An là Tống Thái Hoàng Ân lần đầu tiên chạm tay đến một danh hiệu quốc tế, lại là ngôi vô địch châu lục hết sức danh giá. Hoàng Ân đạt điểm số gần như tuyệt đối sau 7 ván đấu, chỉ để kỳ thủ hạt giống số 4 người Iran Bahar Mirzakhani hơn mình gần 500 Elo cầm hòa và thắng cả 6 đối thủ còn lại.
Tại bảng U16 nữ, kỳ thủ Nguyễn Hồng Nhung bổ sung vào bộ sưu tập thành tích của mình tấm HCV cờ nhanh châu Á sau khi vừa giành ngôi á quân Giải U16 thế giới (cờ tiêu chuẩn) hồi tháng trước. Năm ngoái, giữa thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Nguyễn Hồng Nhung cũng giành HCB thế giới lứa tuổi U16 nữ, tranh tài theo thể thức online qua 3 giai đoạn vô cùng cam go, gồm World Cup (tháng 8), Grand Prix (tháng 11) và Super Final (tháng 12-2021).
Giành tổng cộng 5 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ nội dung cờ nhanh, đoàn Việt Nam tạm dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương toàn giải, xếp trên cả chủ nhà Indonesia. 451 kỳ thủ đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ còn thi đấu các nội dung cờ tiêu chuẩn (từ ngày 15 đến 20-10) và cờ chớp (trọn ngày 21-10), xếp hạng cá nhân và đồng đội (tính tổng điểm 3 kỳ thủ xếp hạng cao nhất của từng đội ở mỗi nội dung).
Bình luận (0)