Chỉ tính riêng nội dung đơn nam, đã có đến 9 tay vợt Việt Nam đăng ký tham dự từ vòng loại. Tuy nhiên, chỉ có 2 tay vợt vào được đến vòng đấu chính thức là niềm hy vọng trẻ Phạm Cao Cường và tay vợt số 2 Việt Nam Nguyễn Hoàng Nam. Nhưng với trình độ còn hạn chế so với những tay vợt đến từ các quốc gia phát triển về cầu lông, cả Cao Cường và Hoàng Nam không thể tiến xa. Tương tự, giải nữ có đến 5 tay vợt nhưng chỉ có Vũ Thị Trang vào được vòng 2 trước khi để thua đối thủ người Thái Supanida Katethong kém mình hơn 100 bậc trên bảng xếp hạng.
Công bằng mà nói, việc các tay vợt Việt Nam tham dự giải đấu trên sân nhà với lực lượng hùng hậu để rồi sau đó sớm rời cuộc chơi là điều không còn mới mẻ. Kết cục ở giải năm nay đã được giới chuyên môn dự báo từ trước khi vắng ngôi sao số 1 Việt Nam, hiện đang đứng hạng 22 thế giới Nguyễn Tiến Minh. Gần chục năm trở lại đây, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có Tiến Minh là tay vợt đủ sức tiến xa hay thậm chí là vô địch trên sân nhà. Song việc kỳ vọng quá nhiều vào một ngôi sao đã ngoài 30 tuổi như Tiến Minh chỉ ra một thực tế cầu lông Việt Nam đang thiếu những nhân tố có khả năng gây đột biến.
Sau Tiến Minh, cầu lông Việt Nam đang đặt nhiều hy vọng vào tay vợt trẻ Phạm Cao Cường. Có lợi thế về thể hình (cao 1,8 m), lại được hỗ trợ nhiều từ nhà tài trợ cũng như các ban, ngành; thế nhưng, Cao Cường vẫn chưa thể lột xác vì quá trình rèn giũa còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố mà bản thân tay vợt Việt Nam chưa đáp ứng được. Cứ sau một giải đấu quốc tế, cầu lông Việt Nam vẫn chỉ nhớ đến mỗi cái tên Tiến Minh để rồi 1-2 năm nữa khi tay vợt từng xếp hạng 4 thế giới giải nghệ, điệp khúc “còn ai sau Tiến Minh” sẽ lại được nhắc đến trong sự chán chường, giống như không khí ở nhà thi đấu Cầu Giấy ngày bế mạc giải.
Bình luận (0)