Trong ngày thi đấu thứ 7 của Olympic Rio diễn ra hôm nay (12-8), lực sĩ Hoàng Tấn Tài sẽ xuất trận ở hạng 85 kg nhưng xem ra khả năng thành công của anh là không cao. Chỉ có mặt ở đấu trường lớn Olympic theo “quota” được cấp chung cho cử tạ Việt Nam thay vì thành tích cá nhân, Tấn Tài không thể đảm trách vai trò “người cứu rỗi”, nhất là xét trong bối cảnh anh không phải là đối thủ xứng tầm của dàn lực sĩ “khủng” đến từ châu Âu, Nam Mỹ vốn có ưu thế nhất định ở các hạng cân nặng.
Trắng tay ngay tại kỳ đại hội được kỳ vọng rất nhiều này, cử tạ Việt Nam hẳn đang “ngộ” ra rất nhiều điều. Câu chuyện “tố” mức tạ của Nguyễn Quốc Thanh tại SEA Games 21 thuở nào giờ tái diễn với Thạch Kim Tuấn khi lực sĩ quê Bình Thuận chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, sự sung mãn chưa đạt đỉnh và tâm lý thi đấu vẫn còn là một dấu hỏi. Lẽ ra, khi Tuấn thất bại trong lần thực hiện đầu tiên với mức tạ 157 kg ở nội dung cử đẩy, HLV của anh phải giữ nguyên khối lượng tạ theo nguyên tắc “chậm mà chắc” để có thể bảo đảm mục tiêu huy chương. Mọi hy vọng tiêu tan cùng 2 lần Tuấn “đầu hàng” mức tạ được tăng đến 160 kg sau đó.
Tâm lý thi đấu cũng là vấn đề đối với Vương Thị Huyền, HCĐ thế giới 2015. Cô bị trọng tài phủ quyết kết quả lần thực hiện đầu tiên thành công ở nội dung cử giật nên chao đảo hẳn, dẫn đến thất bại ở cả hai lần nâng tiếp theo. “Kịch bản” nâng tạ hỏng cả 3 lần trong một nội dung của Huyền và cả Kim Tuấn nằm ngoài mọi dự báo của giới chuyên môn. Gieo hy vọng cực lớn, vì thế, thất bại của họ càng khiến biết bao trái tim người hâm mộ thêm bẽ bàng. Đáng tiếc hơn khi những lực sĩ đoạt HCB và HCĐ ở hạng 48 kg nữ đều kém xa thành tích 194 kg mà Huyền từng vươn tới tại Giải Vô địch thế giới 2015 ở Houston - Mỹ.
Việc cử tạ Việt Nam trắng tay ở Olympic càng thêm phần tê tái khi nhìn sang Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á duy nhất chen chân được vào 15 hạng đầu trên bảng tổng sắp huy chương tạm thời ở Rio. Đáng nói hơn khi cả 4 huy chương mà thể thao Thái Lan giành được tính đến thời điểm này (2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ) đều thuộc về môn cử tạ.
Cách cử tạ Thái Lan chạm tay đến huy chương Olympic thực ra không mới khi họ “ép cân” Sopita Tanasan từ hạng 53 kg nữ xuống thi đấu ở hạng 48 kg và giành ngay HCV. Việc Sinphet Kruaithong giành HCĐ hạng 56 kg nam ngay “trước mũi” Thạch Kim Tuấn là câu trả lời thú vị về cái gọi là “biết mình biết người” trong nghệ thuật cầm quân. Bộ đôi Sukanya Srisarat và Pinsiri Sirikaew chia nhau 2 vị trí dẫn đầu hạng 58 kg nữ cũng là những kết quả thú vị dù họ phải đối đầu cùng các đối thủ rất mạnh đến từ những quốc gia Trung và Nam Mỹ như Venezuela, Colombia, Ecuador, Mexico hay CH Dominica.
Thất bại ở Thế vận hội không phải là dấu chấm hết. Cử tạ Việt Nam vẫn còn nhiều mục tiêu phấn đấu phía trước, từ đấu trường SEA Games đến Á vận hội hay các giải vô địch khu vực, thế giới. Đừng để tiếp tục vấp ngã trước Thái Lan có lẽ là mục tiêu không chỉ của riêng cử tạ Việt Nam.
Bình luận (0)