Ghé qua mảnh đất hoang vu, cỏ mọc cao quá đầu người cách đây chưa lâu còn là nơi trú ngụ của nhiều đối tượng lang thang, tội phạm, thỉnh thoảng còn xuất hiện những đám cháy kinh hoàng vào mùa khô ở khu vực phường 12, quận Bình Thạnh (TP HCM) một ngày cuối tháng 10, chắc chắn ai cũng phải ngỡ ngàng với cả một công trường xây dựng đang hối hả hoàn tất những hạng mục sau cùng. Trên khoảng đất rộng hơn 37.000m2, một khán đài cao vợi với sức chứa 1.000 chỗ đang được lắp đặt mái che, ghế ngồi composite nhiều màu sắc còn phía gầm tòa nhà này, nhiều tốp công nhân đang ráo riết hoàn thiện khu vực phòng làm việc, phòng nghỉ VĐV cùng hai xạ trường mini dành cho các môn bắn cung, bắn súng.
Bốn hố móng khổng lồ ở các góc sân đang được khẩn trương thi công để chuẩn bị mặt bằng cho việc lắp ráp các trụ đèn. Ông Võ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm TDTT Q.Bình Thạnh, tự hào cho biết chẳng phải sân vận động cấp quận nào cũng có được dàn đèn hoành tráng và hiện đại như vậy, rất thuận tiện khi thi đấu, tổ chức giải vào buổi tối vừa có thể phục vụ cho các sự kiện chính trị, văn hóa tại địa phương.
Khu Liên hợp Trung tâm TDTT quận Bình Thạnh sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2020
"Mọi thứ còn bề bộn, ngổn ngang nhưng chắc chắn cụm sân bóng đá mặt cỏ nhân tạo và sân bóng rổ sẽ kịp đi vào hoạt động vào cuối tháng 12 này", ông Hoàng khẳng định chắc nịch. Riêng cụm nhà thi đấu và hồ bơi đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc gia sẽ được khởi công sau khi lãnh đạo quận thông qua thiết kế đồng thời ngành TDTT Bình Thạnh kêu gọi vốn đầu tư thành công.
Từ năm 2013, sau khi cụm sân bãi TDTT phường 25 với tổng diện tích hơn 2 hecta được chuyển giao cho ngành giáo dục để xây dựng hai ngôi trường PTTH Gia Định và PTCS Đống Đa, Trung tâm TDTT Q.Bình Thạnh được hoán đổi khu đất rộng gần 4 hecta ở phường 12, nằm liền kề khu chung cư tái định cư 1.700 căn và Học viện Cán bộ thành phố. Đây là khu vực bỏ hoang nhiều năm, tình hình phức tạp đến độ cán bộ địa phương và cảnh sát khu vực cũng lắc đầu ngao ngán.
"Chúng tôi từ thời điểm ấy đã đệ trình kế hoạch xây dựng và bản thiết kế chi tiết về cụm công trình TDTT này. Các cấp lãnh đạo quận đều ủng hộ về chủ trương, phê duyệt kế hoạch nhưng vấn đề quan trọng nhất là vốn thì không kiếm đâu ra cho công trình trị giá lúc bấy giờ ước khoảng 270 tỉ đồng. Mất 5 năm chờ đợi và thêm nhiều phen thuyết phục các ban ngành, chúng tôi có được khoản vốn vay 35 tỉ đồng từ Công ty Đầu tư tài chính TP HCM. Thêm 11 tỉ đồng được quận cấp, chúng tôi quyết định khởi công vào cuối năm 2019 với hai hạng mục sân bóng đá và bóng rổ. Còn cụm nhà thi đấu và hồ bơi, chắc phải chờ khi sân bóng đá, bóng rổ hoạt động có thu, bước đầu "trả nợ" thì quận sẽ phê duyệt việc xây dựng", ông Võ Minh Hoàng hào hứng kể.
Cụm sân bóng đá, bóng rổ khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết khá nhiều nhu cầu TDTT của người dân địa phương, làm thay đổi hẳn diện mạo đồng thời gia tăng giá trị sống của một vùng đất khó khăn, hoang vu một thời. Sẽ tuyệt vời hơn nếu như đường chạy của sân gồm 6 làn chạy thẳng, 2 làn chạy cong được trải nhựa tổng hợp, kịp khánh thành cùng với sân để đáp ứng điều kiện tập luyện, thi đấu của bộ môn điền kinh thành phố hiện chỉ biết trông chờ vào các đường chạy sân Thống Nhất và sân Trung tâm TDTT Q.8. "Ngặt là nguồn vốn vay đã dồn hết cho hai cụm sân, không thể kiếm đâu khoảng 7-8 tỉ đồng để trải nhựa đủ tiêu chuẩn cho đường chạy. Phải tìm kiếm và thực hiện để không phụ lòng tin của người dân", ông Hoàng ưu tư.
Bình luận (0)