Thuê HLV ngoại cho đội tuyển nam, tìm một mạnh thường quân vững chắc cho tuyển nữ, thường xuyên đưa các tuyển trẻ đi tập huấn nước ngoài và thuê chuyên gia ngoại đến huấn luyện… Đó đều là những kế hoạch tốn kém của VFF, tuy nhiên tiền mới chỉ là điều kiện cần. Nếu không xử lý nhiều vấn đề nằm trong đầu chứ không phải ở đôi chân của cầu thủ thì bóng đá nước nhà sẽ chậm thoát khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.
Hết thời nuông chiều trọng tài
Vừa chính thức trở thành Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã cảnh báo “vua áo đen”. Tuyên bố “trọng tài nào yếu kém và có vấn đề sẽ cho nghỉ ngay lập tức” của tân chủ tịch VFF không chỉ có tính chất răn đe vì khi còn là phó chủ tịch của tổ chức này, ông đã đề nghị Thường trực VFF ra những quyết định treo còi vĩnh viễn với một số hay một nhóm trọng tài “có vấn đề”.
Văn Quyết (10) và các tuyển thủ Việt Nam sẽ sớm có HLV trưởng người Nhật Bản
theo lời hứa của lãnh đạo VFF khóa VII Ảnh: HẢI ANH
Từ khi mô hình Ban Trọng tài VFF ra đời thay cho Hội đồng Trọng tài trước đây, VFF đã rất kỳ vọng vào sự lột xác của công tác trọng tài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình có chiều hướng xấu đi với liên tiếp những nghi án, sai lầm chết người của trọng tài, gây ra làn sóng bức xúc trong các đội bóng lẫn người hâm mộ.
Ông Dũng chính là người khởi xướng chuyện “tăng thu nhập” cho trọng tài từ mùa 2012 vì cho rằng ổn định thu nhập cho trọng tài chính là biện pháp phòng ngừa tiêu cực hữu hiệu nhất. Xét về thu nhập chung, một trọng tài cũng đã có thu nhập gấp 2-3 lần so với những mùa giải trước đó. Vấn đề mà VFF và cả Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã nhận ra là tăng thu nhập, tăng tiền thù lao chưa thể giải quyết được những vấn nạn trọng tài.
Ông Dũng quyết định vừa phải dùng tiền vừa phải siết chặt kỷ cương mới có thể chấn chỉnh giới trọng tài. Nhiều khả năng ông Nguyễn Văn Mùi sẽ trở lại cương vị Trưởng Ban Trọng tài VFF sau khi được bầu vào ban chấp hành (BCH) nhiệm kỳ VII. Ông Mùi buộc rút lui khỏi vị trí này ở khóa VI do không phải ủy viên BCH. Rất có thể cái mới đầu tiên của Ban Trọng tài VFF ở khóa VII sẽ là một vị trưởng ban với nhiều kinh nghiệm và am tường thói quen, khả năng của các trọng tài.
Có tiền cũng dễ sinh hư
Kế hoạch rót tiền cho các đội tuyển của ban lãnh đạo VFF có thể khiến các cầu thủ rất mừng. Tuy nhiên, với đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nam và U23, chưa bao giờ các cầu thủ xác định “kiếm tiền” ở đội tuyển. “Nồi cơm” của họ nằm ở CLB nên khi thành tích của đội tuyển đi xuống, VFF nhiều phen bất lực trước những hành động thoái thác, từ chối làm nhiệm vụ quốc gia bằng những lý do cá nhân của cầu thủ.
Chi phí tập huấn, ăn ở của ĐTQG sẽ được tăng lên có nghĩa là các cầu thủ được sinh hoạt đầy đủ hơn trước. Tiền thưởng của các giải đấu cho ĐTQG nhiệm kỳ VII của VFF cũng sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên, hơn ai hết, tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là người đã từng được nếm trái đắng khi chứng kiến nhiều tuyển thủ quốc gia dường như “không chịu đá” dù được treo thưởng rất cao. Đó là một trong những lý do khiến ông Dũng muốn tìm một HLV trưởng người Nhật Bản cho ĐTQG cũng chính là để củng cố kỷ luật, tinh thần và thái độ chuyên nghiệp cho tuyển thủ.
Kỳ vọng vào tuyển nữ
Mục tiêu đầu tiên và sớm nhất mà VFF khóa VII đặt ra sẽ là đưa tuyển nữ Việt Nam có mặt ở VCK World Cup nữ 2015 tại Canada. Trong tháng 4 này, tức 1 tháng trước khi tuyển nữ bước vào VCK Asian Cup 2014 tại TP HCM, VFF sẽ công bố nhà tài trợ gắn bó lâu dài và tâm huyết với bóng đá nữ. Đội nữ Việt Nam nếu thắng 2 trận sẽ có vé lần đầu dự cúp thế giới.
Bình luận (0)