Với sự có mặt của Bayern Munich và Borussia Dortmund trong trận chung kết Champions League, bóng đá Đức khẳng định hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển bền vững: trọng bản sắc, ưu tiên trẻ và đặt lợi ích của CĐV lên hàng đầu.
La Liga (Tây Ban Nha) và Giải Ngoại hạng Anh nổi tiếng hơn Bundesliga nhưng 2 giải này phải học hỏi cách làm của bóng đá Đức. Với quy định tài chính nghiêm ngặt, các CLB ở Bundesliga đang hoạt động một cách khỏe khoắn, không như La Liga đang nợ đầm đìa và nhiều CLB ở Giải Ngoại hạng Anh cũng thua lỗ. Real đứng đầu về doanh thu toàn cầu nhưng đào tạo trẻ của họ kém chất lượng, lối chơi thay đổi, phụ thuộc vào nhà cầm quân.
Hơn một nửa các CLB ở Giải Ngoại hạng Anh đang thuộc quyền sở hữu của các ông chủ nước ngoài, trong lúc Bundesliga và các giải đấu hạng thấp hơn được điều hành bởi người Đức và dành cho người Đức. Tổng Giám đốc CLB Dortmund, ông Hans Joachim Watzke, nói: “Chúng tôi không cần nhận điện thoại từ Trung Đông, Nga hay Mỹ để điều hành CLB. Chúng tôi có cách làm riêng, sáng tạo nhưng vẫn thu hút được tài trợ, tình hình kinh doanh sáng sủa. Đó là nhờ chúng tôi tôn trọng bản sắc, văn hóa bóng đá của riêng mình”.
Trong thời đại bóng đá toàn cầu hóa, các CLB ở Bundesliga dĩ nhiên vẫn cần ngôi sao nước ngoài. Bayern chắc hẳn thiếu chắc chắn và sắc sảo khi vắng F. Ribery, A. Robben, J. Martinez và Mandzukic. Dortmund vài mùa gần đây nhờ vào sự ổn định và tỏa sáng của bộ 3 cầu thủ Ba Lan gồm J. Baszczykowski, L.ŁPiszczek và nhất là R. Lewandowski - người ghi cả 4 bàn trong trận thắng Real Madrid 4-1 ở bán kết lượt đi Champions League mùa này.
Tuy nhiên, bộ khung của Bayern và Dortmund vẫn là những tài năng trong nước, với các HLV nội hàng đầu, như J. Klopp nắm Dortmund, J. Heynckes chỉ đạo Bayern, CLB mùa sau sẽ được dẫn dắt bởi J. Guardiola nổi tiếng trọng bản sắc và lối chơi cống hiến. Hai đội này có 13 “nội binh” trụ cột, tiêu biểu như tiền đạo 23 tuổi T. Muller của Bayern hay “thần đồng” M. Goetz mới 20 tuổi của Dortmund. 13 ngôi sao này là sản phẩm của cuộc cách mạng về hệ thống đào tạo trẻ Đức sau “thảm họa” Euro 2000. Bóng đá Đức đã chi khoảng 1 tỉ euro cho hệ thống cách tân này và giờ đây không chỉ Bayern, Dortmund mà nhiều CLB Đức có dàn nội binh trẻ trung, năng động, lối chơi giàu cống hiến.
Điều quan trọng nữa là tại 2 CLB này, CĐV nắm giữ phần lớn cổ phần, nghĩa là CLB có sự liên hệ chặt chẽ với cộng đồng. Bayern Munich nằm trong tốp 5 các CLB bóng đá kiếm tiền nhiều nhất trên thế giới nhưng giá vé xem trọn mùa của đội chỉ khoảng 101 bảng Anh (khoảng 3.232.000 đồng), trung bình 6 bảng Anh/trận tại Bundesliga. Trong khi đó, giá vé trọn mùa của Arsenal lên đến 985 bảng Anh! Tổng giám đốc của Dortmund cho rằng các CĐV Anh đang bị xem là “bò sữa” thay vì là những khách hàng. Ông Watzke nhận xét: “Một CĐV chỉ thành người hâm mộ trung thành nếu họ thật sự đến với CLB bằng tấm lòng, từ đó họ mới sẵn sàng chịu chi”.
HLV Bayern khóc với “quà” chia tay HLV J. Heynckes đã khóc sau trận đấu cuối cùng với Bayern Munich khi chứng kiến “hùm xám” lội ngược dòng thắng chủ nhà Borussia Monchengladbach 4-3. Nhà cầm quân 68 tuổi này sẽ rời Bayern và cân nhắc khả năng chuyển sang dẫn dắt 1 CLB nước ngoài. Với đội hình mạnh nhất nhưng Bayern bất ngờ để thua 1-3 trong 10 phút đầu. Trong lịch sử của CLB, “hùm xám” chưa bao giờ để lọt lưới 3 bàn trong 10 phút đầu. Nhưng 2 pha lập công của Ribery giúp Bayern cân bằng tỉ số trước khi tiền vệ Pháp tạo cơ hội cho Robben ghi bàn quyết định. Tin không vui cho Bayern là hậu vệ H. Badstuber lại bị rách dây chằng gối phải. Trong lúc đó, Dortmund lo hơn khi trung vệ M. Hummels của họ cũng bị chấn thương trong trận thua Hoffenheim 1-2, có nguy cơ vắng mặt ở trận chung kết Champions League dù Goetz kịp bình phục. |
Bình luận (0)