Giải vô địch vovinam Đông Nam Á 2017 vừa khép lại vào ngày 16-1 tại Seam Reap (Campuchia) đã đánh dấu một năm mà vovinam để lại nhiều điểm nhấn. Ở giải đấu cuối cùng này với 7 quốc gia và hơn 100 VĐV tham dự, Việt Nam là cái nôi của vovinam nên có những ưu thế nhất định, nhưng hiện trình độ chuyên môn của các nước trong khu vực tiến bộ nhanh, tiệm cận, thậm chí qua mặt Việt Nam ở một số nội dung, đặc biệt ở nội dung cả đối kháng lẫn quyền.
Sau hai năm gián đoạn, năm nay giải đấu đánh dấu sự trở lại của vovinam với những mục tiêu mới. Trong đó, việc vận động đưa vovinam vào SEA Games 30 tại Phillipines năm 2019 là mục tiêu quan trọng nhất.
Trước đó, Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lân thứ 5 năm 2016 diễn ra từ 30-9 đến 2-10 tại TP Đà Nẵng, Việt Nam với sự tham dự của 128 VĐV đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tham dự lễ khai mạc giải, có đại diện lãnh đạo các Liên đoàn vovinam châu Á, châu Phi, châu Âu và thế giới. Sự kiện này đã nâng tầm vị thế của môn võ Việt này trên trường quốc tế khi được bạn bè thế giới đánh giá rất cao.
Hiện tại phong trào vovinam đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ của 5 châu. Từ một môn võ thuật dân tộc, vovinam đã lan tỏa và quốc tế hóa từ khoảng 40 năm qua và bén rễ ở nhiều vùng đất và được bè bạn quốc tế đón nhận, tập luyện, yêu mến.
Việc đưa vovinam góp mặt tại các cuộc tranh tài ở các giải đấu lớn giúp chúng ta quảng bá hình ảnh của đất nước, con người và văn hóa Việt qua tinh hoa võ thuật. Để vovinam lan tỏa và phát triển hơn nữa, chúng ta cần có một kế hoạch dài hơi với sự ủng hộ của các cấp, các ngành văn hóa và thể thao. Bên cạnh đó, thông qua ngoại giao với các nước để tạo được sự đồng thuận khi vận động đưa môn võ Việt này có tên thường xuyên ở các ngày hội thể thao lớn.
Trong khi đó, các hoạt động trong nước được duy trì ổn định với chất lượng và số lượng VĐV ngày càng tăng: Giải Vô địch các đội mạnh vovinam toàn quốc lần VII năm 2016 tranh Cúp Vinatex diễn ra từ 15 đến 22-4-2016 tại An Giang thu hút 337 VĐV đến từ 29 đơn vị; Giải Vô địch Trẻ Vovinam toàn quốc lần XIV năm 2016 diễn ra từ ngày 06 đến 14-7 tại tỉnh Tây Ninh có sự tham dự của 489 vận động viên đến từ 30 đơn vị; Giải Vô địch vovinam toàn quốc lần thứ 24 năm 2016 diễn ra từ 22 đến 30-10 tại nhà thi đấu tỉnh Nghệ An với 345 VĐV đến từ 27 đơn vị.
Đặc biệt, Liên đoàn vovinam phối hợp tổ chức biểu diễn vovinam trong các lễ hội, sự kiện văn hóa – chính trị tại địa phương, góp phần giới thiệu và phát huy nền võ học dân tộc Việt đậm đà bản sắc dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc “Học Võ Việt – Yêu Nước Việt”.
Bên cạnh đó, với đề án đưa vovinam vào trường học đã thu được những thành quả nhất định. Ngành Thể thao và ngành Giáo dục các tỉnh: Thanh Hóa, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước,… và TP HCM giảng dạy các lớp đào tạo HLV, hướng dẫn viên vovinam cho lực lượng giáo viên TDTT để đưa môn vovinam vào giảng dạy chính thức trong các trường học. Vì thế, lần thứ hai liên tiếp vovinam góp mặt tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2015 được tổ chức tại Nhà thi đấu TDTT Sầm Sơn, Thanh Hóa với sự tham dự của 558 VĐV đến từ 36 tỉnh thành trên cả nước.
Với những gì làm được, năm 2017, vovinam quyết tâm xây dựng và phát triển phong trào vovinam sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú trọng đối tượng thanh niên, học sinh nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần và phong cách con người Việt Nam; tạo nền tảng rộng rãi cho việc phát triển năng khiếu để đào tạo tài năng đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam; đồng thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Liên đoàn sẽ tập trung cho công tác quảng bá vovinam ra thế giới để từ đó giới thiệu hình ảnh đất nước, văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Bình luận (0)