icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đôi bờ sông Bến Hải...

LINH AN

Ngày đàng trai rước dâu qua sông Bến Hải, nhiều người mừng vui, hạnh phúc mà không cầm được nước mắt. Bởi đây là đám cưới đầu tiên của đôi tình yêu hai bên vĩ tuyến được đưa dâu đi qua chiếc cầu lịch sử mà họ phải chờ đợi suốt hai mươi năm

Sông Bến Hải bên trong bên đục

Trách ai làm cho non nước chia đôi...

Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải và điệu hò xưa đã đi vào ký ức dân tộc Việt Nam với nỗi đau chia cắt. Hai mươi chín năm sau chiến tranh,tôi trở về mảnh đất này như đi lạc vào một vùng cổ tích.

Mười ngón tay chảy máu.- Tôi vào thăm ngôi nhà của mẹ Ngô Thị Diệm ở xóm Hiền Lương, nằm phía Bắc của vĩ tuyến 17. Những năm chiến tranh, mẹ Diệm đã lặng lẽ ngồi may cờ giữa bốn bề giặc lùng sục, để giữ cho cột cờ Hiền Lương không lúc nào vắng bóng lá cờ Tổ quốc. Từ tháng 8-1954 đến 1967, giặc Mỹ đã dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn trên vĩ tuyến, làm rách 300 lá cờ Tổ quốc. Cứ mỗi lá cờ bị giặc Mỹ đánh rách là bàn tay mẹ Diệm lại run lên trên mỗi mũi kim khâu. Có lúc, màu đỏ của máu ở mười đầu ngón tay mẹ chảy ra, lẫn vào màu cờ. Bây giờ mẹ không còn nữa. Tôi ra bờ sông Bến Hải, thắp một nén nhang trên nấm mồ của mẹ mà nghe lòng mình như rát bỏng.

Những ngày tháng 4 này, du khách trong và ngoài nước tấp nập đổ về vĩ tuyến 17, theo tour du lịch DMZ (du lịch vùng phi quân sự), trong đó nơi được nhiều người chú ý nhất là đôi bờ Hiền Lương. Một vùng đất hoang tàn đổ nát trong chiến tranh. Theo đoàn du khách, tôi gặp một số cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm chiến trường xưa Quảng Trị. Cảm giác đầu tiên làm cho họ hết sức ngạc nhiên là chiếc cầu mới hiện đại, kiêu hãnh bắc qua sông Bến Hải. Bery, một trong những cựu binh Mỹ, thốt lên: “Tôi không ngờ có sự đổi thay đến lạ lùng ở vùng đất này. Để được như bây giờ, các bạn phải chịu quá nhiều mất mát, đau thương. Mong các bạn tha thứ cho chúng tôi. Hãy để cho nước Mỹ rút ra bài học từ quá khứ”.

Ông Trần Mốc, người cựu binh ngày xưa ôm súng đứng gác phía bờ Bắc cầu Hiền Lương, nay đã bước qua tuổi bảy mươi, tóc đã bạc trắng. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ở tuổi bốn mươi, anh Mốc mới có điều kiện lập gia đình. Đám cưới của anh được tổ chức tại một ngôi làng ven sông Bến Hải. Vợ anh là người phía bờ Nam. Anh chị yêu nhau trong những ngày đất nước đang còn chia cắt, cách một dòng sông nhưng hai mươi năm không nhìn thấy mặt nhau. Nhớ nhau, họ gửi gắm cho nhau qua câu hát, câu hò: Sông Bến Hải bên trong bên đục. Trách ai làm cho non nước chia đôi...

Ngày đàng trai rước dâu qua sông Bến Hải, nhiều người mừng vui, hạnh phúc mà không cầm được nước mắt. Bởi vì đây là đám cưới đầu tiên của đôi tình nhân ở hai bên vĩ tuyến 17 được rước dâu đi qua trên chiếc cầu lịch sử mà họ phải đợi chờ suốt 20 năm.

25 năm sau, các con của ông Trần Mốc đã trưởng thành, học hành nên người. Ông lại lo chuyện gia đình cho đứa con trai đầu lòng. Đám cưới con của ông tổ chức chu đáo, có đầy đủ bà con hai bên. Chuyến xe đưa dâu được đi trên chiếc cầu Hiền Lương hiện đại, bắc qua sông Bến Hải trong ngày khánh thành.

Bốn chiếc cầu mang tên Hiền Lương.- Trong dự án tôn tạo cụm di tích đôi bờ Hiền Lương được Chính phủ phê duyệt có hạng mục xây dựng lại nguyên mẫu chiếc cầu Hiền Lương năm 1952. Sau một năm khởi công trùng tu, vào năm 2003, chiếc cầu Hiền Lương nguyên mẫu đã in đậm trong tâm thức của hàng triệu trái tim Việt Nam được hoàn thành. Cầu được làm bằng trụ bê tông, sàn lót ván gỗ lim dành cho người đi bộ.

Nhưng vẫn còn đó một câu chuyện dài về số phận những chiếc cầu mang tên Hiền Lương đã có một thời được bắc qua sông Bến Hải- vĩ tuyến 17 để gánh vác nhiệm vụ lịch sử đất nước. Trên một đoạn sông này ít nhất có 4 chiếc cầu mang tên Hiền Lương.

Cách đây hơn năm mươi năm, vào năm 1952, thực dân Pháp đã cho xây dựng cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, cầu được làm bằng bê tông, khổ rộng 3 m, dài 7 nhịp, thân cầu làm bằng thép, mặt cầu được lát bằng ván thông. Đây là chiếc cầu có ý nghĩa lịch sử, mang trên mình nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Sau Hiệp định Geneve, vĩ tuyến 17- sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, đợi ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Và cầu Hiền Lương bị chia làm hai nửa với hai màu sơn khác nhau. Nhà văn Nguyễn Tuân có lần “cẩn thận” đếm từng nhịp: “Cầu được chia làm hai phần, mỗi bên có độ dài 89 m, được sơn bằng hai màu khác nhau. Phía bờ Bắc có 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam có 444 tấm”. Đến năm 1966, Mỹ ném bom làm sập cầu Hiền Lương. Từ đó cho đến năm 1974, chúng ta qua lại sông Bến Hải bằng cầu phao dã chiến.

Để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1974, chiếc cầu Hiền Lương bằng sắt được ta xây dựng có kết cấu 5 nhịp. Cho đến năm 1998, cầu này đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình nên nó được “nghỉ hưu”. Ngày 17-4-2002, sau 24 năm tồn tại, chiếc cầu này chính thức bị tháo dỡ. Còn chiếc cầu Hiền Lương hiện đại đang sử dụng được khởi công xây dựng vào năm 1995 theo công nghệ tiên tiến của Nga. Ba năm sau, vào năm 1998, cầu được hoàn thành, thông xe.

Những ước mơ táo bạo.- Nằm ngay bờ Nam vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải là thôn Xuân Hòa thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Trên mảnh đất này, ngày trước từng được mệnh danh là “vành đai trắng” với ngổn ngang bom đạn. Anh Nguyễn Văn Luyện, người cựu binh trong đoàn quân giải phóng năm xưa, bây giờ là chủ một trang trại hồ tiêu, cho biết: Nếu không có những ước mơ táo bạo biến đồi trọc thành những cánh rừng xanh thì người dân không bao giờ tận dụng hết tài nguyên dồi dào từ đất. Sau ba năm lăn lộn với ruộng đồng, anh Luyện đã trồng được 10.000 gốc tiêu, 10 ha rừng. Hiện tại mỗi năm anh Luyện thu lãi hàng trăm triệu đồng. Câu chuyện làm ăn của anh Luyện chỉ là một trong hàng ngàn chuyện làm giàu của người dân vùng vĩ tuyến 17. Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Bí thư huyện Gio Linh, tự hào: “Vùng đất bazan của huyện còn trên 5.000 ha đất trống, đồi trọc rất phù hợp cho việc lập trang trại chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng. Đây là thế mạnh cho những cư dân chuyển sang làm kinh tế trang trại mà không phải địa phương nào cũng có được”.

Lịch sử: Năm 1952, người Pháp đã khởi công xây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Trụ cầu được làm bằng bê tông, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát bằng ván gỗ thông, chiều rộng 3 m, dài 178 m, chia làm 7 nhịp. Năm 1966, người Mỹ ném bom làm sập cầu Hiền Lương. Từ đó cho đến năm 1974, quân dân ta qua lại sông Bến Hải bằng cầu phao dã chiến.

Ngược lên phía Nam vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, trên các cứ điểm ngày xưa của người Mỹ như Dốc Miếu, Cồn Tiên... nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, hồ tiêu. Trên 3.000 ha cao su xanh tốt đang cho khai thác mủ xuất khẩu. Nhưng để có được diện tích đất đai không ngừng tăng lên, xóm làng tươi vui như hôm nay, hàng ngàn người dân trên vĩ tuyến 17 đã phải ngã xuống vì bom đạn Mỹ trong chiến tranh còn sót lại. Đến bây giờ, thi thoảng người dân trong vùng vẫn bàng hoàng mỗi khi nghe tiếng nổ bất chợt. Vì họ biết rằng, có ai đó vừa chết oan vì những quả bom của Mỹ ẩn trong lòng đất.

Đi về phía hạ lưu sông Bến Hải, nhìn đồng lúa bát ngát màu xanh, nước về đầy ắp ruộng đồng, tôi nhớ lại những ngày chưa có hệ thống thủy lợi Kinh Môn, mỗi mùa hạ đến ruộng đồng khô nứt nẻ. Bầy vịt chăn ngoài đồng cứ chết dần, chết mòn vì bị mắc kẹt xuống giữa những đường nứt của ruộng hạn. Bây giờ, chỉ cần hai xã đồng bằng Trung Sơn và Trung Hải làm lúa cũng vẫn nuôi đủ 21 xã còn lại của huyện Gio Linh.

Tôi gặp bà mẹ Việt Nam anh hùng của mảnh đất Trung Hải, với tâm trạng mừng mừng, tủi tủi, mẹ Nguyễn Thị Tâm kể chuyện: “Đời tôi khổ quá nhiều. Sinh được một đứa con thì nó đã hy sinh trong một trận đánh không cân sức để giữ lấy cột cờ Hiền Lương. Sống đến từng này tuổi, nay thấy Nhà nước kéo điện về thắp sáng cho xóm làng, tôi mừng lắm. Giờ nếu có chết cũng yên lòng”. Tôi uống hết bát nước chè xanh mẹ mời đã lâu mà dư vị ngọt ngào của hương chè mãi còn đọng lại.

Bên bờ Bắc của vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải là các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Sơn... của huyện Vĩnh Linh anh hùng. Tôi đến khu kinh tế trang trại phía Bắc sông Bến Hải, gặp lão nông dân Nguyễn Văn Chiến đang hì hục bên vườn cao su. Lão nông này cho biết, để khai hoang diện tích đất trang trại của mình, ông phải đào bới, dọn dẹp trên 100 quả bom, đạn các loại.

 img
 Cầu Hiền Lương hôm nay

Chỉ sau năm năm xây dựng, khu kinh tế mới Bắc sông Bến Hải trở thành một vùng trù phú nhất huyện Vĩnh Linh. Như một câu chuyện thần kỳ trong lòng đất, dưới bàn tay và ý chí của những nông dân, huyện Vĩnh Linh đã có đến 80% số gia đình có nhà xây kiên cố. Người dân ở đây không còn lo gạo trong bữa cơm hằng ngày nữa, mà đã bàn phương, tính kế làm giàu. Trung bình, mỗi hộ trồng được từ 5 đến 15 ha cao su, có hộ trồng đến 32 ha. Đến khi thu hoạch mủ, họ không cần bán tại chỗ, mà tìm đến những bạn hàng tận bên Trung Quốc để sản phẩm của mình được giá cao hơn...

Chiều nay ra đứng trên cầu Hiền Lương, bất chợt tôi nghe người chèo đò dưới sông đang cất lên câu hát: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...”. Vâng, bài hát này được người dân Quảng Trị hát mãi, và cho đến bây giờ lời bài hát đã ngấm sâu vào máu thịt của nhiều thế hệ. Chiến tranh đã đi qua gần ba mươi năm, nhưng mỗi lần trở về vĩ tuyến 17, trong lòng tôi vẫn thấy man mác một nỗi buồn, một chút bồi hồi khó tả. Tôi thả xuống dòng sông “bên bồi, bên lở” này những bông hoa màu đỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo