Bóng đá Việt Nam chứng kiến rất nhiều trường hợp cầu thủ chuyên nghiệp, thậm chí là tuyển thủ quốc gia, có xuất thân từ bóng đá phong trào, mà mới nhất là trường hợp tiền vệ Nghiêm Xuân Tú, một phát hiện đầy thú vị của HLV Mai Đức Chung.
Hiện tượng Nghiêm Xuân Tú
Gọi là "hiện tượng" vì Nghiêm Xuân Tú trưởng thành từ bóng đá phong trào, biết cách vượt qua số phận bởi từng mắc căn bệnh ung thư quái ác.
Vốn là con trai của cựu cầu thủ Nghiêm Xuân Mạnh từng chơi bóng cho Đường sắt Việt Nam, Tú "ngựa" (biệt danh của Nghiêm Xuân Tú) từng có thời gian ăn tập ở lò đào tạo trẻ Hòa Phát Hà Nội nhưng rồi phải bỏ dở từ rất sớm vì không thấy khả năng phát triển sự nghiệp. Cộng thêm căn bệnh ung thư ập đến năm 24 tuổi, Nghiêm Xuân Tú tưởng chừng không còn cơ hội để chơi bóng.
Nghiêm Xuân Tú (bìa phải) thời còn thi đấu cho đội bóng "phủi" HAT do ca sĩ Tuấn Hưng (thứ hai bên trái) làm ông bầu
Sau gần 1 năm xạ trị, đẩy lùi được bệnh tật, Nghiêm Xuân Tú xách giày đi "đá phủi" thuê cho một số đội bóng phong trào như HAT của ca sĩ Tuấn Hưng, FC Cường Quốc của ông bầu Cường "hói". Tình cờ ở một trận đấu tại giải Ngoại hạng phủi Hà Nội năm 2005 (nay là giải HPL), HLV Mai Đức Chung khi đó đang dẫn dắt Thanh Hóa đến sân xem để giải trí. Ấn tượng với những pha xử lý tinh quái của con trai người bạn cũ, ông Chung "xe ca" đã thuyết phục Xuân Tú về xứ Thanh thử việc, sau đó nhận vào đá V-League.
Ngay ở trận đầu tiên được tung vào sân từ ghế dự bị, vừa chơi được 5 phút thì Nghiêm Xuân Tú đã ghi bàn thắng quyết định giúp Thanh Hóa đánh bại SLNA 2-1. Sau này, khi đã tạo được chỗ đứng trong màu áo FLC Thanh Hóa rồi Than Quảng Ninh, Tú "ngựa" luôn bày tỏ lòng kính trọng với người thầy Mai Đức Chung.
Kể cả khi ông thầy có duyên với bóng đá nữ này chưa sử dụng anh phút nào trong 2 trận đấu gần nhất gọi lên tuyển Việt Nam gặp Campuchia tại vòng loại bảng C Asian Cup 2019, Xuân Tú không bao giờ than thở vì anh hiểu chính cơ duyên với HLV Mai Đức Chung đã giúp mình có cơ hội lên tuyển, từng được CLB Kaiserslautern mời sang Đức thử việc cuối năm 2016.
Một bước thành "sao"
Hiện nay có khá nhiều cầu thủ chuyển từ sân "phủi" sang sân chơi chuyên nghiệp, từ sân 11 người đến futsal như Nghiêm Xuân Tú. Nổi tiếng ở TP HCM có Lưu Ngọc Hùng, Nguyễn Ngọc Thanh, Giang Thành Thông... Trong đó, Ngọc Hùng, Ngọc Thanh cũng từng khoác áo tuyển Việt Nam trong giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp.
Ở miền Bắc thậm chí còn đông hơn vì rất nhiều cầu thủ phong trào có trình độ chuyên môn cao, chỉ cần may mắn lọt vào "mắt xanh" của vài HLV chuyên nghiệp là họ có cơ hội thử sức, hiện thực hóa ước mơ chơi bóng tại V-League, lên đội tuyển quốc gia.
Nghiêm Xuân Tú (X) đang tập luyện trong màu áo tuyển Việt Nam trước trận gặp Campuchia
Điển hình như trường hợp của Nguyễn Xuân Tú (biệt danh Tú "thổ"). Cầu thủ này từng nhẵn mặt với giới bóng đá "phủi" Hà Nội trong màu áo Techno, FC Quốc Cường... trước khi đầu quân cho Hà Nội T&T (lúc đó còn đá ở giải hạng nhì) qua lời mời của HLV Triệu Quang Hà. Trong chiến tích 3 năm thăng 3 hạng của Hà Nội T&T, Tú "thổ" được xem như "công thần" nên sau này khi giải nghệ, bầu Hiển giữ lại làm HLV tuyến trẻ. Bây giờ, Tú "thổ" đang làm trợ lý HLV U16 Việt Nam.
Trường hợp của cầu thủ Thành Tín ở CLB Thái Sơn Bắc cũng rất đáng chú ý. Thành Tín từng nhiều năm chơi bóng trong màu áo Top Group, bên cạnh những "thánh bào" nổi danh như Phương "Vertu", Đồng "con"... Khác biệt lớn nằm ở chỗ nếu các đồng đội chỉ muốn chạy sô thì Thành Tín xác định phải nỗ lực thể hiện tài năng để tìm cơ hội vào đội futsal Thái Sơn Bắc.
Thành quả sau này còn vượt sức tưởng tượng của Thành Tín khi anh trở thành trụ cột của Thái Sơn Bắc, đồng thời liên tục góp mặt ở tuyển futsal Việt Nam tham dự những giải quốc tế trong năm 2017.
Khẳng định được tài năng
Có một số ý kiến cho rằng các cầu thủ "phủi" khi chuyển sang chơi ở môi trường chuyên nghiệp đỉnh cao sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi họ không có nền tảng cơ bản. Thực tế sân cỏ đã chứng minh ngược lại. Thường những cầu thủ chơi bóng phong trào một khi đã lọt vào tầm ngắm của các tuyển trạch viên, họ đều khẳng định được tài năng của mình.
Tuy nhiên, cũng cần kể thêm câu chuyện từ chối lên tuyển của một cầu thủ "phủi" để có thêm những suy ngẫm về bóng đá nước nhà, đó là trường hợp của Quốc "Dejong". Lúc còn làm HLV trưởng đội tuyển futsal Việt Nam, trong một lần đi xem một trận bóng phong trào có Quốc "Dejong" thi đấu, ông Bruno Formoso đã chọn cầu thủ này. Bất ngờ là Quốc "Dejong" từ chối. Anh bày tỏ: "Lên tuyển vinh dự đấy nhưng tiền lương không đủ nuôi gia đình. Vừa đi làm vừa tranh thủ đi đá cho các công ty kiếm tiền, vậy cũng ổn".
Mỗi ngày, nhìn những cái tên như Capdevilar (Nguyễn Văn Cáp), Quốc "Dejong", Đạt "mập", Messi "cua" hay Phương "Vertu", Giang "say", Thắng "Xavi"... xách giày đi thi đấu khắp nơi để mưu sinh, tuy có phần chạnh lòng vì sự khắc nghiệt của bóng đá nhưng những câu chuyện thú vị mà họ để lại trên sân "phủi" vẫn là những đề tài hay mà mọi cầu thủ phong trào đều muốn có được.
Chính điều này tạo nên "thương hiệu" cho bóng đá phong trào, không những mang đến sự tận hưởng cho hàng triệu người muốn rèn luyện sức khỏe mà từ đó còn tạo ra những công việc kiếm tiền chân chính cho hàng ngàn thanh niên mê "đá phủi".
Một thành viên trong ban huấn luyện đội tuyển futsal Việt Nam cho rằng những anh tài trưởng thành từ sân bóng phong trào đã thổi luồng gió mới cho bóng đá nước nhà. Futsal Việt Nam có bước tiến nhanh trong vài năm trở lại đây là một minh chứng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10
Bình luận (0)