Nếu bóng đá chuyên nghiệp chỉ gói gọn trong vài ông bầu dám đổ tiền vào bóng đá như bầu Đức của HAGL, bầu Thắng (Long An), bầu Hiển (Hà Nội FC) hay bầu Tú (futsal Thái Sơn Nam)..., thì ngược lại, bóng đá phong trào có hàng trăm ông bầu lớn nhỏ. Với họ, đam mê bóng đá đã ăn sâu vào máu thịt.
Nặng tình với "phủi"
Ở sân cỏ 11 người, chẳng ai xa lạ gì doanh nhân Trần Ngọc Tâm, ông bầu của đội bóng An Biên TOTO FC. Ông Tâm có biệt danh là Tâm "TOTO", gắn với thương hiệu thiết bị vệ sinh của Nhật Bản do công ty của ông phân phối độc quyền tại TP HCM. Chỉ cần điểm qua những thành viên sẵn sàng theo chân đội bóng An Biên TOTO FC đi thi đấu khắp nơi, người hâm mộ bóng đá phong trào cả nước cũng phải choáng. Đó là ở hàng lão tướng, đội bóng của bầu Tâm TOTO có các cựu tuyển thủ Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Đức Thắng… Còn ở lứa trẻ hơn có Trương Việt Hoàng, Nguyễn Thế Anh, Võ Phi Thường, Lương Minh Trung...
Một buổi học tiếng Anh của các cầu thủ phong trào đội bóng Metro FC
Hiện hay, có người vẫn dự nhiều giải phong trào, có người được bầu Tâm đưa lên ghế HLV hoặc trở thành nhân viên của Công ty An Biên. Chính uy tín và niềm đam mê bóng đá cháy bỏng của bầu Tâm đã giúp ông trở thành nhân vật có tiếng nói rất quan trọng với bóng đá phong trào cả nước.
Ông bầu Nguyễn Phú Đức trong một trận đấu của Metro FC
Đáng tiếc là dù từng hoạch định sách lược đưa An Biên FC lên giải hạng nhất quốc gia nhưng sau đó, chính bầu Tâm quyết định ngừng lại vì ông nhận thấy bóng đá chuyên nghiệp Việt vẫn chưa… chuyên nghiệp. Cũng từ đó, ông dành hết tâm huyết cũng như tiền bạc cho sân chơi phong trào.
"Muốn biết ông bầu sinh năm 1974 này nặng lòng với bóng đá "phủi" như thế nào, chỉ cần nhìn vào giải An Biên Cup dành cho các đội phong trào hay nhất miền Nam, năm nay đã bước lên tuổi thứ 10. Kinh phí tổ chức một giải đấu như vậy tốn khoảng 2,5 tỉ đồng/năm nhưng bầu Tâm chưa bao giờ có ý định bỏ" - cựu thủ môn tuyển Việt Nam Nguyễn Thế Anh chia sẻ.
Làm bóng đá sạch
Có một điều mà chắc chắn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải suy nghĩ là vì sao hiện nay sân chơi phong trào luôn thu hút đông đảo cổ động viên, trong khi giải bóng đá vô địch quốc gia, giải hạng nhất quốc gia chỉ lèo tèo khán giả. Từ 2 địa phương Hà Nội và TP HCM, bóng đá phong trào lan rộng khắp cả nước với cả ngàn giải đấu luôn thu hút đông khán giả đến cổ vũ. Đó là do cách tổ chức, cách làm không vụ lợi, toan tính của các ông bầu.
Cũng nhờ sân chơi sạch được tổ chức rộng khắp mà giới cầu thủ phong trào luôn có chỗ để "xỏ giày câu cơm". Nhiều người chơi "phủi" giỏi mỗi tháng kiếm trên chục triệu đồng là chuyện thường.
Nhắc đến cách làm bóng đá phong trào bài bản phải kể đến ông bầu Nguyễn Phú Đức của đội bóng Metro FC. Ban đầu, bầu Phú Đức dự trù khoảng 6.000-10.000 USD để chăm lo, trả lương cho anh em cầu thủ, giúp họ yên tâm tập luyện, thi đấu. Chỉ sau 2 năm thành lập, Metro FC đã có đến 2 đội bóng, một đội chính và một là lứa U23 được chọn lọc và đào tạo bài bản để làm nòng cốt cho tương lai. Bầu Phú Đức luôn động viên anh em trong đội, khuyến khích họ vừa đi làm công việc bên ngoài, vừa cố gắng tham gia đầy đủ các buổi tập.
Ông còn thuê cả giảng viên tiếng Anh, mỗi tuần giảng dạy 3 đêm cho các anh em cầu thủ để họ rành ngoại ngữ, có thể giao tiếp tốt, lo cho tương lai. Chi phí cứ thế đội lên gần 1 tỉ đồng/năm nhưng bầu Đức chưa bao giờ kể công với ai. "Chúng tôi rất yên tâm khi về đội, không còn nặng gánh lo cơm áo gạo tiền. Với bầu Đức, chỉ cần khán giả đến sân đông, cầu thủ thi đấu hết mình để thỏa đam mê là được" - một cựu cầu thủ Metro FC bày tỏ.
Tiếc là vì nhiều lý do, một mình không đủ sức gánh vác đội bóng, sau vài năm nổi đình nổi đám, bầu Đức tuyên bố giải thể đội bóng. Từng động viên, chia sẻ nhiều kinh nghiệm chăm lo cho đội Metro FC, ông bầu futsal Trần Anh Tú không khỏi tiếc nuối khi hay tin bầu Phú Đức phải giải tán đội.
Dù đã dừng cuộc chơi nhưng ông bầu của Metro FC vẫn được nhiều chuyên gia bóng đá, nhà quản lý dành cho sự nể phục, yêu mến qua những gì đã làm được cho bóng đá phong trào.
Kỳ tới: Lên tuyển từ "sân phủi"
Nhà báo làm ông bầu
Giới bóng đá "phủi" miền Nam không ai xa lạ gì Cafe Phố An Giang, đội bóng chuyên đi gom danh hiệu ở các giải phong trào khắp miền Tây, thậm chí nhiều lần đánh bại những "ông lớn" của bóng đá "phủi" Sài Gòn.
Khi tìm hiểu về đội bóng này, người viết thực sự bất ngờ khi một trong 2 ông bầu của đội bóng là nhà báo Huỳnh Bá Phúc, công tác tại Đài Truyền hình An Giang. Ông bầu còn lại là chủ chuỗi Cafe Phố là ông Nguyễn Quốc Thống. Hai ông bầu chịu chơi này mỗi năm bỏ ra 1-2 tỉ đồng để lo cho đội bóng.
Nhà báo Huỳnh Bá Phúc còn là đạo diễn truyền hình. Mới đây, anh được mời làm đạo diễn chương trình "Giai điệu phương Nam", phát sóng trên 11 đài truyền hình. "Chỉ cần thỏa đam mê chơi bóng, dù là phong trào cũng giúp tôi có được nguồn cảm hứng bất tận để theo đuổi công việc của một nhà báo, đạo diễn truyền hình" - Bá Phúc bày tỏ. Ông bầu này còn khoe: "Nếu đá bóng ở các giải nhà đài trong khu vực, tôi 9 lần giành giải Vua phá lưới, 1 lần giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải thì với nghề đạo diễn truyền hình, tôi cũng 2 lần được nhận HCB liên hoan truyền hình toàn quốc".
Bình luận (0)