xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đội tuyển Đức chơi vơi trước EURO 2024

CHÍNH PHONG

Chỉ còn khoảng 270 ngày nữa, Đức sẽ là chủ nhà của vòng chung kết EURO 2024 nhưng đội tuyển nước này vừa phải sa thải HLV Hansi Flick sau chuỗi trận tệ hại kéo dài đến khó tin

LĐBĐ Đức (DFB) không lạnh lùng như người ta nghĩ về cách tổ chức quản lý một trong những nền bóng đá hùng mạnh bậc nhất thế giới. DFB được thành lập từ năm 1900 và sau 123 năm, họ chỉ thuê 11 HLV dẫn dắt tuyển Đức, tức thời gian trung bình mỗi nhà cầm quân gắn kết với đội bóng này rất dài.

Bóng đá Đức đi xuống trước thời Flick

Chưa có HLV nào bị DFB thanh lý hợp đồng sớm cho đến trường hợp Hansi Flick sau thất bại 1-4 của tuyển Đức ở trận giao hữu mới đây với Nhật Bản. Hansi Flick bị sa thải vì ông không chịu từ chức còn DFB chịu hết nổi sức ép từ dư luận khi thành tích của tuyển Đức sa sút đáng báo động từ sau World Cup 2022. Thành tích tệ hại đã đành, vấn đề là việc DFB không nhìn thấy lối ra cho "Die Mannschaft" nếu Flick còn tại vị.

Đội tuyển Đức chơi vơi trước EURO 2024 - Ảnh 1.

Tuyển Đức hai lần bị Nhật Bản “quật ngã” trong vòng 10 tháng .(Ảnh: REUTERS)

Việc DFB cho phép hãng Amazon Prime làm bộ phim tài liệu về tuyển Đức ở Qatar là một sai lầm khi 4 tập "All or nothing" ("Tất cả hoặc không có gì") hé lộ câu chuyện về một đội bóng khủng hoảng nội bộ trầm trọng. Joshua Kimmich, Niclas Sule và Antonio Rudiger cãi nhau trên sân tập; Leon Goretzka phàn nàn về những khó khăn khi thi đấu ở Qatar; Julian Brandt đến muộn trong cuộc họp chiến thuật mà không bị khiển trách…

Cuốn phim tiết lộ một cách tàn nhẫn rằng Flick không có khả năng khơi dậy bất kỳ cảm xúc nào, chứ chưa nói đến niềm đam mê, của tập thể "Die Mannschaft". Là một người giao tiếp kém ấn tượng, Flick ít khi có quan điểm riêng mà thường để các cầu thủ đưa ra ý kiến của họ. Thoạt nhìn, đó là sự cầu thị nhưng thật ra, Flick chỉ là một nhà cầm quân thiếu lập trường. Nếu HLV không hoàn toàn tin vào ý tưởng của mình thì làm sao đội bóng có thể tin ông?

Sự đi xuống của đội tuyển Đức có phải bắt đầu từ Flick? Không, chính xác là từ cuối thời HLV Joachim Low và nếu chi tiết hơn, có thể xem "Die Mannschaft" đi xuống từ sau chức vô địch World Cup 2014. Họ bị loại ngay tại vòng bảng World Cup 2018 và 2022, chơi bình thường và giành kết quả tầm thường tại Euro 2016 và 2021. Những đội Đức gần đây đan bóng đẹp mắt hơn, kỹ thuật hơn nhưng thiếu kỷ luật, thể lực đúng "chất Đức".

Đừng đổ lỗi cho Pep Guardiola!

Nhiều chuyên gia Đức cho rằng sự "ẻo lả" ấy do Pep Guardiola mang đến nước này khi ông dẫn dắt Bayern Munich từ năm 2013 đến 2016. Thế nhưng, liệu chỉ 3 mùa bóng làm việc cho một CLB, Pep có thể thay đổi được cả nền bóng đá Đức có bề dày lịch sử trăm năm?

Bayern Munich đại diện cho trường phái cổ điển, chính thống trong bóng đá và mục tiêu của đội bóng này chỉ có một: Chiến thắng! Pep đã đưa vào các yếu tố phá cách, thậm chí siêu thực nếu nhìn từ góc độ của những người bảo vệ tinh hoa Đức.

Pep đưa vào hai phong cách đối lập để tìm kiếm một sự kết hợp tưởng khó khả thi, được cực đoan hóa trên nền tảng tình cảm của Johan Cruyff, thêm vào nền tảng lý trí của Franz Beckenbauer và kết thúc bằng một sự trung hòa khó tin. Dĩ nhiên, nó chỉ thành công ở Bundesliga, như bất kỳ HLV nào dẫn dắt Bayern Munich 10 năm qua, kể cả Flick. Trường phái này không thành công tại đấu trường châu Âu.

Trong tổng số 161 trận dẫn dắt Bayern, Pep đã dùng Thomas Mueller 151 trận. Mueller là cầu thủ không giỏi kỹ thuật, tưởng dễ dàng bị Pep loại bỏ nhưng lại được tin dùng nhất, bởi anh đậm chất Đức, cần cù, kỷ luật và chính xác. Ai nói Pep là kẻ thù của các phẩm chất Đức?

Bản thân Muller đã khai sinh ra một thuật ngữ mới trong bóng đá là "Raumdeuter", nghĩa là "kẻ cắp không gian". Từ đây, bên cạnh các tên gọi "nhạc trưởng", "máy quét", "tiền vệ mỏ neo", "tiền vệ con thoi", "số 9 ảo", người ta còn biết thêm khái niệm "raumdeuter".

Hệ quả của văn hóa tiêu dùng?

Từ sau thất bại nặng nề tại Euro 2000, DFB thực hiện một cuộc cải tổ mạnh nhắm vào những điểm cốt lõi của bóng đá, thay đổi tư duy, triết lý, cách đào tạo để loại bớt sự xơ cứng, công thức, cơ bắp trong bóng đá Đức. Họ "bơm" vào đó kỹ thuật, khoa học, sức sống, phong cách đẹp mắt cho bóng đá Đức mà những cầu thủ kiểu như Toni Kroos là đại diện.

Tuy vậy, có lẽ sự cải tạo đó đã đi quá xa, nhiều khả năng do ảnh hưởng bởi sự hứng khởi của World Cup 2006. Chẳng phải dàn cầu thủ đang khoác áo tuyển Đức hiện tại là những chú bé khi đó trên dưới 10 tuổi mới bắt đầu bước chân vào các học viện bóng đá hay sao? Cựu danh thủ Matthias Sammer phát biểu trên báo Sueddeutsche Zeitung mới đây: "Bóng đá Đức đã từ bỏ yếu tố truyền thống là thể chất khỏe mạnh, lấn lướt trong các cuộc đấu tay đôi và luôn giành chiến thắng".

Bóng đá Đức thành công và thành danh trước tiên ở sự kỷ luật, sau đó mới đến các yếu tố thể lực, khoa học. Nếu không còn kỷ luật thì còn gì là "chất Đức" trong bóng đá nước này?

Trở lại cấu trúc đơn giản

Sau khi thua Nhật Bản 1-4 và Hansi Flick bị sa thải, "Die Mannschaft" với HLV tạm quyền Rudi Voller đã hạ á quân thế giới Pháp với tỉ số 2-1. Mueller ghi bàn mở tỉ số bằng cách chọn vị trí và dứt điểm đúng kiểu "kẻ cắp không gian". Voller không thay đổi nhiều vị trí so với trận gặp Nhật Bản nhưng Đức đã trở thành một đội bóng hoàn toàn khác.

Sự rụt rè và bối rối đã qua đi, thay vào đó là "đạo đức làm việc", như Mueller nói, tính tổ chức, sự cam kết và sự rõ ràng. Đức chơi một thứ bóng đá thẳng thắn nhưng hiệu quả, gây được thiện cảm với khán giả.

DFB đang tìm HLV mới cho tuyển Đức và nhiều cái tên được nhắc đến: Jurgen Klopp, Julian Nagelsmann, Roger Schmidt… Đó là những HLV thành công ở các CLB, với triết lý bóng đá hiện đại tiên tiến. Chỉ là ở các CLB, họ có cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới đến phục vụ ý tưởng của mình.

Tuyển Đức lại khác, không cần đến triết lý sâu xa, kỹ thuật tinh vi mà chỉ cần "đạo đức làm việc" như Mueller nói. Trong một hệ thống được lên kế hoạch rõ ràng, những cá nhân khéo léo vẫn được phép thể hiện kỹ năng sáng tạo của họ.

Voller dù đã không trực tiếp cầm quân 19 năm qua nhưng với uy tín của một cựu danh thủ, ông vẫn có thể là người phù hợp cho vị trí HLV. Đội bóng không cần những chiến thuật phức tạp, rối rắm, mà cần sự cần mẫn, đơn giản của ông. Cựu danh thủ Lothar Matthaus nhìn nhận: "Nếu bầu không khí phù hợp thì ai làm HLV tuyển Đức hầu như không quan trọng".

Đội tuyển Đức chơi vơi trước EURO 2024 - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo